Đức Thánh cha gặp gỡ đại diện các Trung tâm bác ái
Sau khi giải tội cho ba bạn trẻ, vào sáng thứ Sáu, ngày 04 tháng Tám, Đức Thánh cha Phanxicô đã tới trung tâm xã hội của giáo xứ thánh Vinh Sơn Phaolô “da Serafina”, cách Công viên Vasco da Gama gần 9 cây số.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đây là khu nghèo ở ngoại ô thành Lisboa. Trung tâm bác ái này có khoảng 170 nhân viên, làm việc trong một nhà giữ trẻ, một trường mẫu giáo, tổ chức các hoạt động giải trí cho các thiếu nhi, một nhà dưỡng lão, một nhà sinh hoạt ban ngày cho người già và người khuyết tật, và một trung tâm giúp đỡ các gia đình.
Giáo xứ thánh Vinh Sơn được thành lập theo giáo luật cách đây 64 năm (1959), do ĐHY Manuel Gonsalves Carejeira và ủy thác cho các cha Dòng Thừa sai Đức Mẹ An ủi coi sóc, cùng với giáo xứ thánh Antôn de Campolide. Người lập xứ và là cha sở đầu tiên chính là cha José Gallea, Bề trên miền của dòng này.
Khi đến trung tâm giáo xứ thánh Vinh Sơn, Đức Thánh cha được các đại diện của giáo xứ này cũng như hai trung tâm bác ái khác, là Nhà Gia đình Ajuda de Bergo và Hiệp hội Acreditar nồng nhiệt tiếp đón và tại phòng hội. Họ trình bày cho ngài các hoạt động của ba tổ chức bác ái này.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Ngỏ lời với mọi người hiện diện, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Thật là đẹp chúng ta ở đây với nhau trong bối cảnh Ngày Quốc tế Giới trẻ. Chúng ta nhìn Đức Trinh Nữ Maria đứng dậy và lên đường đến giúp bà chị họ Elisabeth cao niên (Lc 1,39). Thực vậy, đức bác ái là nguồn gốc và là mục tiêu hành trình Kitô và sự hiện diện của anh chị em, - thực tại cụ thể về “tình yêu bằng hành động” - giúp chúng ta đừng quên hướng đi và ý nghĩa điều mà chúng ta đang làm”.
Và Đức Thánh cha nhấn mạnh ba khía cạnh của hoạt động bác ái, đó là cùng nhau làm điều thiện, hành động cụ thể và gần gũi những người yếu thế nhất.
Trước hết là cùng nhau làm điều thiện. Đức Thánh cha nhận xét rằng từ “cùng nhau” là một từ chủ yếu: sống, giúp đỡ và cùng nhau yêu thương: người trẻ, người lớn, người lành mạnh và người bệnh, cùng nhau. Chúng ta đừng để cho bệnh tật ảnh hưởng, điều khiển chúng ta, nhưng hãy biến nó thành một phần sinh động trong đóng góp của chúng ta cho nhau, cho tập thể, cho cộng đoàn. Mỗi người chúng ta là một hồng ân quý giá đối với Thiên Chúa, đối với cộng đoàn Kitô và cho cộng đoàn nhân loại. Như thế, chúng ta làm cho nhau được phong phú!
Thứ hai là hoạt động cụ thể... Giáo hội không phải là một bảo tàng viện khảo cổ. Giáo hội là một giếng nước cổ kính trong làng, cung cấp nước cho các thế hệ ngày nay, như đã làm trong quá khứ. Giếng nước được dùng để giải khát những người đi đến làng, với gánh nặng và vất vả vì hành trình. Vì thế, cụ thể là cần chú ý đến điều “ở đây và bây giờ”, như anh chị em đang làm, với sự chăm sóc và tinh thần thực tiễn. Khi ta không mất giờ để than vãn về thực tại, nhưng quan tâm đáp ứng những nhu cầu cụ thể, trong vui tươi và tín thác nơi Chúa Quan phòng, thì xảy ra những điều tuyệt vời như lịch sử của anh chị em chứng tỏ.
Khía cạnh thứ ba là gần gũi những người yếu thế nhất. Đức Thánh cha nói: “Tất cả chúng ta đều yếu đuối và cần được giúp đỡ. Nhưng cái nhìn cảm thương của Tin mừng đưa chúng ta nhìn thấy nhu cầu của những người túng thiếu hơn, và phục vụ những người nghèo, những người được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Chúa là Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta: những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề, người bé nhỏ và vô phương thế tự vệ. Họ chính là kho tàng của Giáo hội, được Chúa đặc biệt yêu thương.”
Và Đức Thánh cha kể lại chuyện thánh Gioan Thiên Chúa, nguyên là một thanh niên sinh sống gần Lisboa này, tên là Gioan Ciudad và ở Montemor-o-Novo gần đây. Hồi nhỏ, Gioan mơ ước một cuộc sống phiêu lưu, nên đã bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc. Sau bao năm trời phiêu bạt, Gioan đã tìm thấy hạnh phúc và đã đổi tên thành Gioan Thiên Chúa. Gioan làm một điều táo bạo là ra phố, đi ăn xin, và nói với những người qua đường: “Anh chị em, hãy làm điều thiện cho chính mình!” (Fate bene Fratelli!). Gioan ăn xin, mà lại nói với người ta hãy làm điều thiện cho bản thân họ. Gioan giải thích rằng những cử chỉ yêu thương là một hồng ân cho chính người thực hiện, trước khi cho người nhận lãnh, vì tất cả những gì ta vơ vét cho mình thì sẽ bị mất đi, trong khi điều mà ta cho đi vì yêu thương thì sẽ không bao giờ bị mất, nhưng sẽ là kho tàng của chúng ta ở trên trời”.
Đức Thánh cha giải thích thêm rằng: “Tình thương không chỉ mang lại hạnh phúc ở trên trời, nhưng ngay từ bây giờ trên mặt đất, vì nó mở rộng tâm hồn và giúp ta hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống. Nếu chúng ta muốn thực sự hạnh phúc, thì hãy học cách biến đổi mọi sự thành tình thương, cống hiến cho tha nhân công việc và thời giờ của chúng ta, nói những lời và thực hiện những cử chỉ tốt lành, và với cả một nụ cười, một vòng tay ôm, lắng nghe, với cái nhìn.
Đức Thánh cha kể thêm rằng:
“Anh chị em biết điều gì đã xảy ra cho Gioan không? Người ta không hiểu và nghĩ rằng Gioan bị điên và muốn giam Gioan vào nhà thương điên. Nhưng Gioan không nản chí, vì tình yêu không đầu hàng, vì ai theo Chúa Giêsu thì không mất an bình và không nuối tiếc. Và chính tại nhà thương điên, khi vác thập giá, Gioan đã được Chúa soi sáng và ý thức về những gì các bệnh nhân đang cần được giúp đỡ. Sau cùng, sau khi được trả tự do vài tháng sau đó, Gioan bắt đầu cùng với các bạn khác săn sóc các bệnh nhân và thành lập một dòng tu, dòng Bệnh viện. Nhưng tại một vài nước, người ta thích gọi tên dòng là dòng là “Fate bene, Fratelli”, Anh em hãy làm điều thiện. Thật là một tên rất đẹp và cũng là một giáo huấn quan trọng! Giúp đỡ tha nhân là một hồng ân cho bản thân và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người!”
Cuộc gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và Đức Thánh cha ban phép lành cho mọi người hiện diện, trước khi ngài trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Tại đây, ngài đã dùng bữa với 10 đại diện giới trẻ thuộc 10 quốc tịch tại tòa Sứ thần Tòa Thánh.
(Vatican News 4-8-2023)