THÔNG TIN

THÔNG TIN – BAN VIỆT NGỮ

Ban Việt Ngữ - Đài Chân Lý Á Châu, Phi Luật Tân được khai sinh từ những sáng kiến và ước muốn loan báo Tin mừng Chúa Kitô của Giáo hội, cách riêng Giáo hội tại Á châu, cho các quốc gia gặp khó khăn về mặt xã hội, chính trị và tôn giáo, khởi đi từ cuộc gặp gỡ lịch sử, từ ngày 10 đến 16 tháng 12 năm 1958 qui tụ hơn 100 Hồng y, Giám mục từ khắp Á châu và Australia, với sự hiện diện của Đức Hồng y Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, diễn ra tại Đại Học Hoàng Gia Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Manila, Phi Luật Tân.

Với sự trợ giúp tài chánh của Tòa Thánh và nhiều tổ chức từ Âu châu, đặc biệt là từ Hội Đồng Giám Mục Đức, chương trình tiếng Việt là ngôn ngữ tiên phong phát sóng của Đài Chân Lý Á Châu khi được phát thử nghiệm một số tiết mục vào trung tuần tháng 2 năm 1967, trong khi ngày thành lập chính thức của Đài là ngày 11 tháng 04 năm 1969. Kế đó, ngay sau khi được thành lập, năm 1970, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã cam kết và xác nhận Đài Chân Lý Á Châu là một dự án của mình, khẳng định sự cộng tác và hỗ trợ từ các Hội Đồng Giám Mục tại Á châu.

Tháng 08 năm 1978, Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (1947-2015) được Tòa Thánh cử đến phụ trách Ban Việt Ngữ. Cùng với nhiều linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân khác, Đức ông Phêrô đã từng bước hình thành các chương trình phát thanh, giúp ích nhiều cho tín hữu Việt Nam trong đời sống tinh thần và đời sống đức tin.

Ngày 11 tháng 12 năm 2007, Đài Chân Lý Á Châu bắt đầu sử dụng hệ thống thu âm kỹ thuật số, một bước tiến vượt bậc để phục vụ sứ mạng loan báo Tin mừng thời đại kỹ thuật số.

Và từ mùng 01 tháng 07 năm 2018, sau 49 năm phát thanh qua làn sóng ngắn (Short Wave), Ban Việt Ngữ cùng với các ngôn ngữ khác của Đài Chân Lý Á Châu bắt đầu một hành trình mới: phát thanh trực tuyến trên Internet và qua các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại để tiếp cận với thính giả Việt Nam trên toàn cầu.

Quý thính giả có thể nghe các chương trình tiếng Việt (24h/24h) từ trang Web của Ban Việt Ngữ (http://vietnamese.rvasia.org) hoặc từ ứng dụng dành cho iOS và Android qua các thiết bị có kết nối Internet, như máy vi tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ngoài ra, quý vị cũng có thể đón xem và theo dõi một số chuyên mục của Ban Việt ngữ trên mạng xã hội: