Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Thánh nữ Giuseppina Bakhita, chứng nhân về sức mạnh biến đổi của ơn tha thứ của Chúa

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 11 tháng Mười năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hàng chục ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lúc 8 giờ 45 phút, Đức Thánh cha đã ra quảng trường trên chiếc xe mui trần, có năm em bé cùng trên xe, tiến qua các lối đi để chào thăm khoảng 30.000 tín hữu hành hương. Đến khoảng 9 giờ, Đức Thánh cha lên lễ đài, để bắt đầu buổi tiếp kiến.

Mọi người đã nghe đọc vài câu trích trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 23,32-34), bằng tám ngôn ngữ khác nhau:

“Cùng với Người, cũng có 2 kẻ bất lương bị kết án tử hình. Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, họ đóng đinh Người và hai kẻ bất lương, một bên phải và một bên trái. Đức Giêsu nói: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi hai này có tựa đề: “Thánh nữ Giuseppina Bakhita, chứng nhân về sức mạnh biến đổi của ơn Chúa tha thứ”.

Đức Thánh cha mở đầu bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình huấn giáo về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta để cho mình được chứng tá của thánh nữ Giuseppina Bakhita, người Sudan, soi sáng. Rất tiếc là từ vài tháng nay, Sudan bị xâu xé vì một cuộc xung đột võ trang kinh khủng mà hiện nay người ta ít nói tới; chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Sudan, để họ có thể sống trong an bình! Nhưng tiếng tăm của thánh Bakhita đã vượt lên trên mọi biên cương và đi tới tất cả những người bị phủ nhận căn tính và phẩm giá.

Đau khổ nhưng không thất vọng

Thánh nữ sinh năm 1869, tại Olgossa miền Darfur - miền đã chịu đau thương! - và bị bắt cóc khỏi gia đình lúc mới 7 tuổi, rồi phải làm nô lệ. Những kẻ bắt cóc gọi bé là “Bakhita”, nghĩa là “được may mắn”. Bakhita đã trải qua tám đời chủ. Những đau khổ về thể lý và tinh thần mà chị phải chịu khi còn nhỏ đã làm cho chị không có căn cước. Đã chịu những ngược đãi và bạo lực: trên thân thể của Bakhita còn mang hơn 100 vết sẹo. Nhưng chính thánh nữ đã làm chứng rằng: “Như một nô lệ, tôi không bao giờ thất vọng, vì tôi cảm thấy một sức mạnh huyền nhiệm nâng đỡ tôi”.

Bí quyết

Đâu là bí quyết của thánh nữ Bakhita? Chúng ta biết rằng những người bị thương thường trở thành người đả thương sau đó; người bị áp bức thường dễ trở thành người áp bức. Trái lại, ơn gọi của những người bị áp bức là giải thoát bản thân và những kẻ áp bức, trở thành những người tái lập nhân đạo. Chỉ trong sự yếu đuối của những người áp bức mới có thể tỏ lộ sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, Đấng giải thoát cả hai. Thánh nữ Bakhita diễn tả rất đúng chân lý này. Một hôm, người bảo trợ tặng cho thánh nữ một thánh giá nhỏ, và chị vốn không hề sở hữu điều gì, chị giữ thánh giá ấy như một kho tàng quý giá. Khi nhìn thánh giá, chị cảm thấy một sự giải thoát sâu đậm trong nội tâm, vì chị cảm thấy được cảm thông và yêu thương và vì thế có thể cảm thông và yêu mến. Thực vậy, sau này chị nói: “Tình yêu Thiên Chúa đã luôn đồng hành với tôi một cách huyền nhiệm... Chúa đã thương yêu tôi dường nào: cần phải yêu mến tất cả mọi người... Cần cảm thông!” Quả thực, đồng cảm có nghĩa là chịu đau khổ với các nạn nhân của bao nhiêu điều vô nhân đạo trên thế giới, và cũng cảm thông với những người phạm những sai lầm và bất công, không biện minh, nhưng nhân đạo hóa, qua sự tha thứ cởi mở luôn cho họ một cơ hội khác, để mở ra những con đường hy vọng và giúp họ thay đổi.

Được Lời Chúa biến đổi

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Thánh nữ Bakhita, sau khi trở thành Kitô hữu, được Lời Chúa Kitô biến đổi, Lời mà chị suy gẫm hằng ngày: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều họ làm” (Lc 23,34). Vì thế chị nói: “Giả sử Giuđa đã xin lỗi Chúa Giêsu, thì cả ông ta cũng được thương xót”. Chúng ta có thể nói rằng đời sống của thánh nữ Bakhita đã trở thành một dụ ngôn sinh động về sự tha thứ.

Công hiệu của tha thứ

Tha thứ làm cho chị tự do. Tha thứ trước hết được lãnh nhận qua lòng thương xót của Thiên Chúa, rồi tha thứ được trao tặng làm cho chị trở thành một phụ nữ tự do, vui tươi, có khả năng yêu mến. Vì thế đó là một sự giải thoát bản thân khỏi kẻ áp bức ở trong tâm hồn mình và không để ta sống, vui hưởng niềm vui vì những cử chỉ đơn sơ và thường nhật, quan tâm đến người khác, phục vụ khiêm tốn và những tương quan chân thành. Tha thứ khiến cho chị sống quê hương yêu quý và những người thân yêu của chị, để mỗi ngày tái sinh nơi mà Chúa đã kêu gọi chị cùng với các anh chị em mới. Tại đây, chị thực hành tha thứ kể cả đối với những người đối xử với chị như thể chị là con người thấp kém hoặc không hẳn là người. Chị nói: “Tất cả nhìn tôi như thể tôi là một con vật hiếm”. Tha thứ đã giải giáp chị và giúp chị để cho mình yêu thương như những người đồng hành với chị có thể làm, và rồi đến lượt chị, yêu thương một cách đơn sơ và cụ thể qua nụ cười, một cử chỉ thương mến, một hành động bác ái.

Mang lại an bình, hy vọng cho tha nhân

Vì thế, Bakhita đã có thể sống và phục vụ không phải như một người nô lệ, nhưng như biểu hiện một sự tự nguyện dâng hiến bản thân. Đây là điều rất quan trọng: chị bị biến thành một đầy tớ, nhưng rồi đã tự nguyện chọn lựa trở thành tôi tớ, mang trên vai những gánh nặng của người khác. Trong thời kỳ bi thảm với hai cuộc thế chiến, chị đã mang lại an ủi và hy vọng cho dân chúng ở Schio, miền Veneto. Tha thứ đã làm cho chị trở thành một phụ nữ an bình và mang lại bình an, một phụ nữ tự do và giải thoát. Cuộc sống của chị thực là một phép lạ của Thiên Chúa.

Gương của thánh nữ

Tấm gương của thánh nữ Giuseppe Bakhita đã chỉ cho chúng ta con đường để được giải thoát khỏi những nô lệ và sợ hãi của chúng ta. Chị giúp chúng ta vạch trần những giả hình và ích kỷ của chúng ta, vượt thắng những tâm tình oán hận và xung đột. Chị khuyến khích chúng ta hòa giải với bản thân và tim lại được an bình trong gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chị cống hiến cho chúng ta một ánh sáng hy vọng trong thời đại khó khăn có những nghi kỵ và thiếu tin tưởng đối với những người khác.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, sự tha thứ không hề tước bỏ điều gì nhưng còn thêm phẩm giá cho con người, làm cho họ ngước mặt khỏi cái rốn của mình để nhìn khuôn mặt những người khác, để thấy họ cũng yếu đuối như chúng ta, nhưng luôn luôn là anh chị em trong Chúa. Tha thứ là nguồn mạch tạo nên một lòng nhiệt thành được biến thành thương xót và ơn gọi sống thánh thiện khiêm tốn và vui tươi, như thánh nữ Bakhita.”

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Tiệp và Ba Lan cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Đặc biệt, khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha xin họ hãy nhớ đến trong kinh nguyện tất cả các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục đang tiến hành, để họ biết lắng nghe điều mà Chúa Thánh Linh muốn nói với Giáo hội.

Đức Thánh cha đã tái bày tỏ lo âu và đau buồn về tình hình tại Israel và Gaza, bao nhiêu đau thương và chết chóc nơi người Israel và Palestine. Ngài không quên lưu ý về thảm trạng động đất tại Afghanistan, và bày tỏ liên đới và cứu trợ các nạn nhân.

Kế đó, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm 3.000 tín hữu từ Giáo phận Siena, do Đức Hồng y Paolo Logiudice hướng dẫn. Ngài nói: “Tôi khuyến khích anh chị em noi gương thánh nữ Catarina và thánh nữ Agnes de Montepulciano, trở thành những người giữ vai chính trong các cộng đoàn của anh chị em.”

Ngài cũng đặc biệt chào đón, với lòng biết ơn, các hội những người cao niên từ nhiều nơi và nói: “Chúng ta đừng quên rằng những người già là hồng ân quý giá trong xã hội; nơi trường của họ, ta học hỏi đức tin chân chính và sự khôn ngoan trong cuộc sống.”

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn đồng thời nhắn nhủ rằng: “Tôi mời gọi anh chị em trong tháng Mười này hãy khẩn cầu Mẹ Maria, Nữ Vương Mân côi. Hãy cùng nhau kiên trì cầu nguyện cho những người đang chịu đói khát, bất công và chiến tranh, đặc biệt cầu cho Ucraina yêu quý đang chịu đau thương. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em!”

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.