Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Chúng ta cần một Giáo hội và một xã hội không loại trừ ai
Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật, ngày 30 tháng Sáu vừa qua, đã có hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin do Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng gắt.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Huấn từ của Đức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng Chúa nhật thứ XIII Thường niên, Năm B (Mc 5,21-43), về hai phép lạ của Chúa Giêsu.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin mừng phụng vụ hôm nay kể lại cho chúng ta hai phép lạ dường như nối kết với nhau. Trong khi Chúa Giêsu đến nhà ông Giairo, một viên trưởng Hội đường, vì đứa con gái nhỏ của ông bị bệnh nặng. Dọc đường, có một phụ nữ bị bệnh băng huyết, động chạm đến áo choàng của Ngài và Ngài dừng lại để chữa bà. Trong khi đó, người ta báo tin là con gái ông Giairo đã chết rồi. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại. Ngài đến nhà ông trưởng Hội đường và vào phòng đứa bé, cầm tay và nâng bé dậy, hồi sinh cho bé (Mc 5,21-43).
Ý nghĩa hai phép lạ
Hai cuộc chữa bệnh này được kể lại trong cùng một giai thoại. Cả hai xảy ra với sự tiếp xúc thể lý. Thực vậy, người đàn bà chạm đến áo choàng của Chúa Giêsu và Chúa cầm tay bé gái. Vì sao động chạm như thế là điều quan trọng? Thưa, vì hai người nữ này, một người bị băng huyết và một người đã chết rồi, bị coi là ô uế và vì thế, không thể động chạm thể lý tới họ. Nhưng Chúa Giêsu để cho mình được động chạm và Ngài không sợ đụng chạm. Trước khi có cuộc chữa lành thể lý, Chúa chống lại ý niệm tôn giáo sai lầm, cho rằng Thiên Chúa tách biệt người tinh tuyền sang một bên và người ô uế sang bên kia. Nhưng Thiên Chúa không tách biệt như vậy, vì tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài, và sự ô uế không xuất phát từ lương thực, bệnh tật và cũng chẳng phải từ cái chết, nhưng từ một con tim ô uế.
Thiên Chúa gần gũi chúng ta
Vậy, chúng ta hãy học điều này: trước những đau khổ thân xác và tinh thần, trước những vết thương của linh hồn, những tình trạng đè nặng chúng ta và cả trước tội lỗi, Thiên Chúa không xa cách chúng ta, không xấu hổ vì chúng ta, không phán xét chúng ta; trái lại, Chúa đến gần để chúng ta động chạm và để động chạm, đồng thời luôn nâng chúng ta đứng lên từ chết chóc. Chúa luôn cầm tay chúng ta để nói với chúng ta rằng: hỡi con, hãy trỗi dậy! (Xc Mc 5,41).
Chúng ta hãy ngắm nhìn hình ảnh mà Chúa trao cho chúng ta: Thiên Chúa là một vị cầm tay và nâng chúng ta dậy, là vị để cho mình được đau khổ của ta đánh động để chữa lành và hồi sinh. Chúa không phân biệt đối xử với ai, vì Chúa yêu thương mọi người.
Xét mình
Vậy, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa như vậy hay không? Chúng ta có để mình được Chúa chạm đến, để cho Lời và tình thương của Ngài đánh động hay không? Chúng ta có đi vào trong tương quan với các anh chị em, giơ tay cho họ để nâng họ trỗi dậy hay không, hay là chúng ta giữ khoảng cách từ xa và gán cho họ những nhãn hiệu theo sở thích và những ưu tiên của chúng ta hay không?
Anh chị em, chúng ta hãy nhìn con tim của Thiên Chúa, vì chúng ta cần một Giáo hội và một xã hội không loại trừ một ai, không coi ai là người ô uế, vì, với lịch sử riêng, họ cần được đón nhận và yêu thương mà không phải chịu những nhãn hiệu và thành kiến.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ: Người là Mẹ dịu hiền, xin chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu hiện diện, những người ở Roma và các tín hữu hành hương từ các nơi khác. Ngài cũng nhắc nhở mọi người rằng: ”Hôm nay là ngày kính nhớ các vị tử đạo đầu tiên ở Roma. Cả chúng ta cũng đang sống trong một thời kỳ tử đạo, nhiều hơn cả những thế kỷ đầu tiên. Tại nhiều nơi trên thế giới, bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị kỳ thị và bách hại vì đức tin, qua đó làm cho Giáo hội được phong phú. Có những người khác phải đương đầu với một cuộc tử đạo ”với những găng tay trắng”. Chúng ta hãy nâng đỡ họ và để cho mình được chứng tá yêu mến Chúa Kitô soi sáng”.
Trong ngày cuối cùng của tháng Sáu này, chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu đánh động tâm hồn của bao nhiêu người đang muốn chiến tranh, để họ hoán cải theo các dự án đối thoại và hòa bình”.
Anh chị em, chúng ta đừng quên Ucraina đau thương, Palestine, Israel, Myanmar và bao nhiêu nơi khác đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh.
Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.