Đất nước và Giáo hội tại Papua New Guinea

Photo: Vatican News

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Papua New Guinea có diện tích gần 463.000 cây số vuông, tức lớn hơn Việt Nam khoảng 40%, nhưng chỉ có hơn 8 triệu 240.000 dân cư, nói hơn 700 thổ ngữ khác nhau. Vì thế, Anh ngữ là tiếng nói chính tại đây, cùng với tiếng Pidgin. Trước kia, lãnh thổ này là thuộc địa của Hòa Lan, Anh, Đức, rồi tới Úc, cho đến khi được độc lập vào năm 1975 và thuộc khối Thịnh vượng chung. Tuy độc lập, nhưng Papua New Guinea vẫn còn là nước nghèo nhất ở châu Đại Dương và lệ thuộc nhiều vào nước Úc về mặt tài chính. Các công ty nước ngoài kiểm soát tới 80% tư bản ở địa phương. Nông nghiệp tại đây vẫn còn ở tình trạng sơ khai và chỉ có 1% đất đai được canh tác.

Tỷ lệ thành thị hóa của nước này mới được 2,51%. Phần lớn các nơi chính chỉ có thể tới bằng máy bay và rất ít người có khả năng di chuyển như vậy, 80% dân chúng sống tại những vùng sâu vùng xa. Trong trường hợp thiên tai, như vụ đất lở mới đây vì mưa lũ ở tỉnh Engal hoặc nạn ô nhiễm do việc khai thác khoáng sản, nhiều người dân có nguy cơ chết đói.

Thủ đô Port Moresby là một thành phố tân tiến nhất nước: đường rộng, các cao ốc, trung tâm thương mại và nhiều công trình xây cất đang tiến hành. Đó là thành thị duy nhất cỡ lớn của Papua New Guinea, một trục thu hút rất nhiều người di dân nội địa, nhất là những người trẻ. 40% dân Papua New Guinea dưới 15 tuổi. Họ đến thủ đô tìm kiếm điều kiện sống tốt đẹp và tự do hơn so với các làng mạc của họ. Nhưng nhiều khi những hy vọng và mong đợi ấy không được đáp ứng, vì họ không được huấn luyện, đa số còn mù chữ, hoặc không đủ khả năng.

Trong những tháng trước đây, Đức cha Daru-Kiunga, ở tỉnh miền Tây Papua New Guinea, nơi các công ty khoáng sản đã đổ trầm tích (sedimenti) từ các cuộc khai thác mỏ quặng của họ xuống sông Ok Tede, làm ngập lụt mùa màng, người dân đói và không có nước uống. Khủng hoảng khí hậu, hoạt động khai thác mỏ bừa bãi, nạn phá rừng không kiểm soát, hạ tầng cơ sở lạc hậu cùng với nạn tham nhũng lan tràn, khiến Papua New Guinea trở thành quốc gia ngày càng mong manh hơn và dễ bị tổn thương.

Trước đó, ngày 10 tháng Hai năm nay, một cuộc nổi loạn đã bùng lên tại thủ đô Port Moresby. Lý do cuộc nổi loạn là vì chính phủ giảm lương của các nhân viên an ninh và thay đổi thuế má. Cuộc bạo động từ thủ đô cũng lan sáng các thành phố khác, kết quả là có 22 người bị thiệt mạng. Thủ tướng James Marape tuyên bố đặt đất nước ở trong là tình trạng khẩn cấp trong 14 ngày.

Suy tư về tình trạng bạo động đó, Đức Hồng y John Ribat, vị Hồng y đầu tiên của Papua New Guinea, nói rằng “Điều mà chúng ta đã xây dựng với các vị lãnh đạo đất nước trong 49 năm qua từ khi được độc lập, nay đã bị phá hủy trong một ngày”.

Xáo trộn còn tiếp tục trong tháng Hai, làm cho 26 người bị thiệt mạng trong một cuộc chạm súng giữa các bộ lạc ở vùng cao nguyên của Papua New Guinea, nói có nhiều tài nguyên tự nhiên, kể cả vàng. Những vụ đó cho thấy những tranh chấp bộ tộc đã có từ lâu nay, gây nên chết chóc nhiều nơi với sự du nhập nhiều võ khí hiện đại.

Giáo hội Công giáo tại Papua New Guinea

Lịch sử truyền giáo thực sự bắt đầu tại Papua New Guinea cách đây hơn 200 năm, với các thừa sai Tin lành và Công giáo. Ngày nay, 95% dân Papua New Guinea là tín hữu Kitô, đa số thuộc các hệ phái Tin lành. Giáo hội Công giáo tại nước này có 2 triệu 522.000 tín hữu, tức là gần 31% và thuộc 19 giáo phận, do 27 giám mục coi sóc, với sự cộng tác của 600 linh mục, trong đó quá gần một nửa là các linh mục dòng. Có hơn 4.000 đại chủng sinh và số tu huynh là 170 thầy và 800 nữ tu. Hơn 3.100 giáo lý viên. Hiện Giáo hội đảm trách 3.560 cơ sở giáo dục các cấp và hơn 800 trung tâm từ thiện và xã hội.

Cuộc sống của Giáo hội Papua New Guinea đặc biệt sinh động, nhờ sự cộng tác đắc lực và rất tận tụy của các giáo lý viên và giáo dân dấn thân phục vụ trong mọi lãnh vực truyền giáo và mục vụ. Ý thức được tầm quan trọng này, Hội đồng Giám mục Papua New Guinea đã cho thành lập nhiều trung tâm đào tạo giáo lý viên và giáo dân dấn thân đó đây trên toàn nước.

Vấn đề hội nhập văn hóa tại Papua New Guinea cũng là một đề tài khó khăn. Các linh mục nhiều khi gặp những trường hợp cả những gia đình lớn còn theo chế độ đa thê xin trở lại Công giáo, và họ tiếp tục sống như vậy mà không cảm thấy trái ngược với luân lý Công giáo.

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã hai lần đến thăm Papua New Guinea: lần đầu tiên, sau khi chủ sự lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế ở Nam Hàn, hồi tháng Mười năm 1984. Tiếp đó, là từ ngày 16 tháng Giêng năm 1995, với cao điểm là lễ phong chân phước cho giáo lý viên Phêrô Torot tử đạo, năm 1945 vì tiếp tục rao giảng về Chúa Kitô, bất chấp lệnh cấm của nhà cầm quyền Nhật bấy giờ.

Thách đố đối với Giáo hội

Đức Hồng y John Ribat, Tổng giám mục thủ đô Port Moresby, chủ chăn của 233.000 tín hữu Công giáo, thuộc 22 giáo xứ và một giáo họ. Tại đây, chỉ có 6 linh mục giáo phận, nhưng có tới 50 linh mục dòng, và 126 nữ tu. Đức Hồng y cho biết: “Thách đố chính của chúng tôi là huấn luyện con người, đặc biệt là những người trẻ. Ngày nay, chúng tôi quản trị khoảng 25% các trường học, nhất là ở những vùng xa, cộng tác với chính phủ, nhưng vẫn không đủ. Cũng xảy ra như vậy trong lãnh vực y tế. Lẽ ra nhà nước phải đảm bảo việc bảo trì trường học và trả lương cho cho các giáo chức, các trung tâm y tế do Giáo hội giúp đảm trách, nhưng trong thực tế việc bảo trì trường thì không có, và đồng lương cho giáo chức thì có thường đến chậm.”

Trực tiếp

Livesteam thumbnail