Đức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ Papua New Guinea
Tiếp tục chuyến tông du thứ 45, sáng thứ Hai, ngày 09 tháng Chín vừa qua, lúc 9 giờ 45, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ hơn 13.000 bạn trẻ Papua New Guinea ở sân vận động Sir Guise ở thủ đô Moresby.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Các bạn trẻ đã dành cho Đức Thánh cha cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt, với những nhóm vũ điệu của các bộ lạc, đầu gắn các lông chim nhiều màu, với các y phục đặc trưng của mình. Hai bạn trẻ, một nam một nữ, đã trình bày chứng từ về cuộc sống và băn khoăn của họ.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Về phần Đức Thánh cha, ngỏ lời với các bạn trẻ trong dịp mày, ngài đặc biệt nói về đề tài “Làm thế nào để xây dựng tương lai? Chúng ta muốn mang lại cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa nào?”
Đức Thánh cha nhắc lại sự tích tháp Babel trong Kinh thánh Cựu ước sau đại hồng thủy, qua đó chúng ta thấy sự đối nghịch của hai lối sống và xây dựng xã hội: một lối đưa tới sự hỗn độn và phân tán, và một lối mang đến sự hòa hợp của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em. Lối sống thứ nhất của những người nghĩ rằng mình có thể không cần Thiên Chúa, có thể xây dựng một xã hội mà không có Chúa, nhưng rồi họ lâm vào tình trạng ngôn ngữ hỗn độn, tạo nên tình trạng xáo trộn, và không còn khả năng đả thông với nhau, để rồi phải bỏ dự án xây tháp.
Đức Thánh cha nói: “Không có Thiên Chúa, không tìm thấy nơi Chúa “một ngôn ngữ” liên kết chúng ta thì chúng ta sẽ bị phân tán, mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân và các nhu cầu của mình, xáo trộn, xung đột”.
“Hỡi những người trẻ thân mến, các bạn sinh ra ở đây, các bạn có thể để cho trình thuật này của Kinh thánh soi sáng. Tại Papua New Guinea này cũng như đã xảy ra cho các gia đình khác con cái ông Noe, có bao nhiêu bộ lạc và các bạn là một nước duy nhất trên thế giới vì sự khác biệt ngôn ngữ: có bao nhiêu thứ tiếng, hơn 800, mỗi ngôn ngữ cho thấy mình thuộc một bộ lạc riêng. Và ngoài các tiếng nói và thổ ngữ, các bạn trẻ cũng dùng ngôn ngữ kỹ thuật số và kỹ thuật. Sự khác biệt ngôn ngữ này có thể là một điều tích cực, nhưng cũng có một rủi ro nguy hiểm, đó là: thay vì là một phương thế hiệp nhất, thì lại là nguyên nhân gây ra hỗn độn; thay vì giúp đả thông và gặp gỡ, thì nó lại tạo nên chia rẽ và đụng độ; thay vì làm cho các bạn tăng trưởng trong sự đẹp đẽ và tốt lành, thì lại làm hư hỏng phẩm giá và tự do của các bạn, làm cho các bạn trở nên mong manh và dễ bị tổn thương, thậm chí nó khiến các bạn trở thành nô lệ”.
“Vì thế, điều quan trọng là chúng ta học một ngôn ngữ chung: đó là ngôn ngữ tình thương, làm cho chúng ta trở thành một gia đình duy nhất”.
Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến từ ngữ gọi là “wantok” để chỉ những người cùng một ngôn ngữ và bộ tộc. Ngài nói: cần hết sức tránh não trạng này. “Lời Chúa dạy chúng ta rằng nếu mỗi người khép kín nơi mình và không cởi mở đối với Thiên Chúa và anh chị em, thì ngôn ngữ của họ không còn giúp đả thông, tạo nên tình bạn. Trái lại, nó trở thành một cách thức để khép kín trong nhóm của mình và đụng độ với những nhóm khác biệt. Tôi muốn nói với các bạn điều này: mỗi ngôn ngữ phải gặp gỡ với ngôn ngữ khác trong sự hòa hợp những khác biệt. Như thế, ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn của Papua New Guinea: điều này có thể được, nếu các bạn trẻ trở thành những “wantok” của tình thương, nghĩa là tuy khác nhau, nhưng tất cả các bạn hãy học ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Phá vỡ những chia rẽ, không khép kín trong nhóm của mình, đi gặp gỡ những người khác trong tình thân hữu và cùng nhau mơ ước, đồng hành với nhau, cùng nhau xây dựng”.
Đức Thánh cha cũng khuyến khích các bạn trẻ Papua New Guinea tìm kiếm sự hiệp nhất trong tình thương nhờ tình bạn với Chúa Giêsu. “Chúa sẽ giúp các bạn không cảm thấy lẻ loi, và cùng nhau tìm kiếm những con đường phải đi theo để trở nên những người tốt đẹp hơn. Chúa sẽ giúp các bạn có khả năng nắm trong tay cuộc sống của các bạn, can đảm thực hiện một quyết định mạnh mẽ: quyết tâm chống lại sự mê hoặc của ma túy và rượu chè, chống cự nạn nghiện ngập dâm ô, chỉ để lại cho bản thân sầu muộn và trống rỗng; chống lại mọi hình thức bạo lực”.
Sau bài huấn dụ của Đức Thánh cha, các bạn trẻ còn trình diễn một điệu vũ dân tộc, trước khi cùng đọc kinh Lạy Cha và Đức Thánh cha ban phép lành cho mọi người.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha đã ra phi trường quốc tế Jacksons. Tại đây, Thủ tướng Papua New Guinea đã tiễn biệt ngài. Chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Niugini chở Đức Thánh cha và đoàn tùy tùng cùng các ký giả quốc tế tiến sang nước Đông Timor, cách đó gần 2.600 cây số về hướng đông. Đây là chặng thứ ba trong chuyến tông du 13 ngày của Đức Thánh cha.