Đức Thánh cha viếng thăm tại Vanimo

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Miền này nổi tiếng về loại gỗ cứng, gọi là kwila và được xuất khẩu, phần lớn sang Trung Quốc.

Giáo phận Vanimo có gần 42.000 tín hữu Công giáo, trên tổng số gần 125.000 dân cư, và có 25 giáo xứ, 85 giáo họ, nhưng chỉ có 9 linh mục giáo phận và 17 linh mục dòng, 40 chủng sinh đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục, ngoài ra có 26 nữ tu.

Khi đến Vanimo, lúc 3 giờ 30 chiều Chúa nhật, giờ địa phương, Đức Thánh cha đến thẳng quảng trường trước nhà thờ chính tòa để gặp gỡ 20.000 tín hữu chờ đợi tại đây. Họ đã trình diễn những màn vũ trong lối phục sức cổ truyền, như những người dân tộc để chào mừng Đức Thánh cha.

Đức Thánh cha gặp gỡ tín hữu ở Vanimo

Trong lời chào mừng Đức Thánh cha đầu cuộc gặp gỡ, Đức cha Francis Meli, Giám mục sở tại, gọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại Papua New Guinea mà một cột mốc trong việc thăng tiến hy vọng và hiệp nhất, cũng như yêu thương và hòa hợp giữa các nền văn hóa, các nhóm chủng tộc, bộ lạc, ngôn ngữ.

Đức cha nhắc đến cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tại Papua New Guinea, ngày 17 tháng Giêng năm 1995, với lễ phong chân phước cho To Rot, giáo lý viên nhiệt thành, tử đạo. Cơ hội đặc biệt đó đã mang lại sự phấn khởi mới mẻ cho các giáo lý viên và nêu cao tầm quan trọng của đời sống gia đình và công việc loan báo Tin mừng.

Các chứng từ

Tiếp lời Đức cha Meli, một nữ tu đại diện sáu dòng nữ, một đôi vợ chồng trẻ, một giáo lý viên và một trẻ nữ đã trình bày chứng từ với Đức Thánh cha và mọi người. Đặc biệt, ông Steven Abala, giáo lý viên cao niên thuộc giáo xứ thánh Augustinô ở Maka, thuộc Giáo phận Vanimo. Ông cho biết công việc giáo lý viên đòi nhiều hy sinh, khi nói rằng: chúng con phục vụ cộng đoàn ở các vùng sâu vùng xa, chuẩn bị các tín hữu lãnh nhận các bí tích, giúp đỡ trong các buổi cầu nguyện Chúa nhật, vì nhiều khi phải đợi nhiều tuần lễ và có khi nhiều tháng trời mới có linh mục có thể đến viếng thăm chúng con. Phần lớn chúng con là các giáo lý viên thừa sai, bỏ nhà đi phục vụ các tín hữu Công giáo ở những làng không có giáo lý viên. Chúng con phải đương đầu với nhiều thách đố, trong đó có học phí của các con cái, cần có nơi ở cho các gia đình, trợ giúp y tế, giáo dục và chuyên chở. Vì những khó khăn đó và nhiều khó khăn khác, nhiều giáo lý viên phải bỏ công việc thừa sai. Trong giáo phận Vanimo, chúng con chỉ có 15 giáo lý viên thừa sai, trong khi nhu cầu lớn hơn nhiều.

Sau cùng là chứng từ của cô bé Maria Joseph, 12 tuổi, thuộc nhà Đức Mẹ Lujan, do các nữ tu phụ trách dành cho các trẻ nữ. Bé mồ côi và năm lên hai tuổi, bị khuyết tật ở chân và được đón nhận vào nhà của nữ tu. Nhờ các nữ tu và những người khác chăm sóc, thương yêu, bé được qua một loạt các cuộc phẫu thuật và nay có thể đứng thẳng và đi lại. Nay cô bé theo học tại trường Trung học đệ I cấp Chúa Ba Ngôi. Cô bé được các nữ tu chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần và trí thức. Bé cũng là thành viên một ban nhạc và rất thích chơi đàn vĩ cầm (Violin).

Huấn từ của Đức Thánh cha

Ngỏ lời với các tín hữu trong dịp này, Đức Thánh cha cám ơn những người đã trình bày chứng từ và ngài bày tỏ hài lòng được gặp gỡ các tín hữu tại miền đất tuyệt vời, trẻ trung và thừa sai này!

“Từ giữa thế kỷ XIX đến nay, cuộc truyền giáo không bao giờ ngưng: các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và thừa sai giáo dân không ngừng rao giảng Lời Chúa và giúp đỡ các anh chị em, trong việc săn sóc mục vụ, giáo dục, trợ giúp y tế và trong nhiều lãnh vực khác, đương đầu với nhiều khó khăn, để trở thành dụng cụ an bình và yêu thương cho tất cả mọi người”.

Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng: Khi nhìn chung quanh, chúng ta thấy quang cảnh thiên nhiên dịu dàng. Nhưng trở về với lòng mình, chúng ta nhận thấy có một cảnh tượng càng đẹp hơn nữa: quang cảnh tăng trưởng trong chúng ta, khi chúng ta yêu thương nhau, như anh chị David và Maria làm chứng, khi nói về cuộc sống phu phụ của họ, trong bí tích hôn phối. Và sứ mạng của chúng ta là phổ biến khắp nơi tình thương của Thiên Chúa và của anh chị em, vẻ đẹp của Tin mừng Chúa Kitô” (E.V. 120).

Đức Thánh cha nhắc đến chứng từ của anh Steven phải đi đường xa để tới các cộng đoàn xa xăm nhất, nhiều khi phải xa nhà lâu. Đó là một điều rất đẹp, điều quan trọng là không để họ lẻ loi và cả cộng đoàn nâng đỡ họ, để có thể thanh thản thi hành sứ mạng, nhất là khi họ phải dung hòa những đòi hỏi của việc truyền giáo với trách nhiệm gia đình”.

Nhưng Đức Thánh cha nói, cũng có một cách khác chúng ta có thể giúp đỡ họ, đó là mỗi người chúng ta cố gắng truyền giáo, loan báo Tin mừng tại nơi chúng ta sống: tại gia đình, trường học, môi trường làm việc, để khắp nơi, trong rừng, các làng mạc và thành thị, tương ứng với quang cảnh đẹp của thiên nhiên, có vẻ đẹp của một cộng đoàn, trong đó mọi người yêu thương nhau, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Qua dấu hiệu này, người ta biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con thương yêu nhau” (Ga 13,35; Mt 22,35-40).

Photo: Vatican Media

Gặp gỡ các thừa sai

Sau cuộc gặp gỡ với các tín hữu, lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh cha còn đến trường Chúa Ba Ngôi, về nhân văn: một trường trung tiểu học có 500 học sinh các cấp, để gặp gỡ các thừa sai. Trong số các nhà truyền giáo tại đây, đặc biệt có cha Martin Prado, người Argentina, người bạn lâu năm của Đức Thánh cha. Cha làm thừa sai từ 35 năm nay, trong đó có 10 năm tại Papua New Guinea, đặc biệt tại Vanimo.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha lại đáp máy bay quân sự trở lại thủ đô Port Moresby.