Đức Thánh cha Lêô tái bày tỏ ý định thăm Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople

Đức Thánh cha Lêô XIV tái bày tỏ ý định sẽ viếng thăm Đức Thượng phụ Bartolomaios bên Thổ Nhĩ Kỳ, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea năm 325.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 17 tháng Bảy năm 2025, dành cho đoàn hành hương đại kết Chính thống và Công giáo từ Mỹ. Phái đoàn do hai vị Tổng giám mục tại nước này hướng dẫn, đó là Đức Tổng giám mục Elpidophoros của Chính thống Hoa Kỳ và Đức Hồng y William Tobin, Tổng giám mục Giáo phận Newark, bang New Jersey. Đức Hồng y nguyên là Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế và cựu Tổng thư ký Bộ các Dòng tu.
Trong diễn văn, Đức Thánh cha gọi cuộc hành hương đại kết này là một hành trình trở về nguồn: kính viếng và cầu nguyện tại mộ của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, rồi tiếp đó kính viếng thánh Anrê tông đồ tại Constantinople, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Thánh cha nói: “Trong khi anh chị em viếng thăm Tòa Constantinople, tôi xin anh chị em chuyển lời chào thăm và vòng tay ôm hòa bình của tôi đến người anh em đáng kính là Đức Thượng phụ Bartolomaios, người đã đến tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng của tôi. Tôi hy vọng trong vài tháng nữa, lại có thể gặp lại Đức Thượng phụ tại đó để tham dự buổi tưởng niệm đại kết kỷ niệm Công đồng chung Nicea”.
Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ ý định đến thăm Đức Thượng phụ Constantinople và hai vị cùng đến Nicea, nay là Iznik, để cử hành lễ kỷ niệm, dự kiến vào dịp lễ thánh Anrê tông đồ, cuối tháng Mười Một năm nay. Nay, Đức Thánh cha Lêô bày tỏ ý hướng tiếp tục dự tính của vị tiền nhiệm.
Trong diễn văn trước phái đoàn hành hương đại kết, Đức Thánh cha Lêô gọi cuộc hành hương đại kết Chính thống và Công giáo Mỹ là một trong những thành quả dồi dào của Phong trào đại kết, đặc biệt từ ngày 07 tháng Mười Hai năm 1965, áp ngày bế mạc Công đồng chung Vatican II: Thánh Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras đã ký tuyên ngôn chung bãi bỏ vạ tuyệt thông giữa hai Giáo hội, từ sau biến cố năm 1054. Đức Thánh cha nói: “Trước việc ký kết này, cuộc hành hương như hiện nay của anh chị em không thể nào xảy ra được”.
Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh rằng “Sự hiệp nhất của các tín hữu tin nơi Chúa Kitô là một trong những dấu hiệu hồng ân an ủi của Chúa... Roma, Constantinople và tất cả các tòa khác được kêu gọi đừng cạnh tranh nhau quyền tối thượng, để khỏi bị nguy cơ giống như các môn đệ trên đường, trong khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài sắp xảy ra thì các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người cao trọng nhất” (Xc Mc 9,33-27).
(Sala Stampa 17-7-2025)
Trực tiếp
