Lần đầu tiên từ 100 năm nay một thánh đường Kitô tại Thổ Nhĩ Kỳ được khánh thành
Lần đầu tiên một thánh đường Kitô được khánh thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Từ khi được thành lập hồi năm 1923, chính phủ Cộng hòa đời Thổ Nhĩ Kỳ không hề cho phép xây cất một thánh đường Kitô nào.
Báo Huerriyet ra ngày 09 tháng Mười vừa qua, tại Thổ đưa tin về lễ khánh thành nhà thờ thánh Ephrem của Giáo hội Chính thống Siriac. Tham dự lễ khánh thành, có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, và nhiều đại diện của các Giáo hội Kitô, trong đó có Đức Thượng phụ Bartolomaios của Chính thống Constantinople ở thành Istanbul, Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Lễ khánh thành do Đức Tổng giám mục Filoksinos Yusef Cetin của Chính thống Siriac chủ sự.
Ông Sait Susin, Chủ tịch Tổ chức Assiri ở Istanbul, gọi đây là “một ngày lịch sử”, vì trong những thập niên gần đây, cộng đồng Kitô thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có thể tu bổ các thánh đường của mình, nhưng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ luôn từ chối không cho phép xây cất các thánh đường mới.
Nhà thờ thánh Ephrem có khoảng 750 chỗ. Hai lầu trên có thể được dùng làm phòng hội họp và cử hành các lễ nghi rửa tội hoặc hôn phối. Cũng có một tầng hầm làm nơi đậu xe. Lễ đặt viên đá xây thánh đường này do chính Tổng thống Erdogan thực hiện hồi năm 2019.
Lẽ ra, lễ khánh thành nhà thờ đã được tiến hành hồi tháng Hai năm nay, nhưng bị hoãn lại vì trận động đất dữ dội ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria hôm mùng 06 tháng Hai.
Số tín hữu Kitô Siriac ở Istanbul vào khoảng từ 12.000 đến 17.000 người. Tại thành này, các tín hữu Kitô Siriac đã có một thánh đường ở quận Tarlabasi, được xây hồi thế XIX, nhưng từ lâu quá chật chội. Nên năm 2009, chính quyền thành phố, theo lời yêu cầu của Thủ tướng Erdogan hồi đó, đã tìm một khu đất để cho xây nhà thờ mới. Năm 2015, chính phủ thông báo một kế hoạch xây cất, nhưng rồi bị chậm trễ nhiều năm và nay mới hoàn thành.
Hiến pháp năm 1923 của Thổ, mặc dù tuyên bố trung lập về tôn giáo, nhưng ngoại trừ Hồi giáo Sunnit, các tôn giáo thiểu số đều bị kỳ thị. Nhà nước Thổ chỉ chính thức nhìn nhận Giáo hội Chính thống Hy Lạp, Armeni Tông truyền và Do thái giáo như tôn giáo thiểu số, được quyền có trường học, tuy với một mức độ giới hạn. Do những giải thích khác nhau về Hiệp ước Lausanne năm 1923, các Giáo hội Siriac, Công giáo và các Giáo hội Kitô khác không được nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
(Ekai.pl 11-10-2023)