Hội nghị đầu tiên tại Campuchia về lịch sử Kitô giáo tại nước này

Photo: asianews.it

Hôm 14 tháng Chín vừa qua, Hội nghị đầu tiên về lịch sử Kitô giáo tại Campuchia đã tiến hành tại Đại học Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đây là lần đầu tiên, sau những năm tháng của ý thức hệ điên cuồng thời Pol Pot, một hội nghị chính thức được tổ chức, với sự cộng tác của giới học thuật địa phương, bàn về lịch sử sự hiện diện của Kitô giáo tại Campuchia, với chủ đề: “500 năm thân hữu: Giáo hội và Vương quốc Campuchia”.

Hội nghị do Khoa sử học của Đại học Hoàng gia tổ chức, với sự cộng tác của Hội lịch sử Campuchia và các thành viên của Hội thừa sai Paris, vốn hiện diện tại đây trước thời Khmer Đỏ và ngày nay đang tiếp tục phục vụ Giáo hội Công giáo được tái sinh tại nước này.

Tham dự hội nghị, có khoảng 70 người, trong đó có nhiều sinh viên trẻ, đặc biệt quan tâm theo dõi công việc của Hội nghị. Trong số các diễn giả, có Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa Phnom Penh, cùng với Hòa thượng Yon Seng Yeath, nói về tương quan giữa Hàng Giáo phẩm Công giáo và Phật giáo, từ năm 1860 đến nay.

Bài thuyết trình quan trọng khác là của cha Vincent Chrétienne, thừa sai tại Phủ doãn Tông tòa Battambang, về lịch sử Giáo hội tại Campuchia, xét vì sau khi cuộc phá hủy các tài liệu do Khmer Đỏ thực hiện, những nguồn mạch duy nhất còn lại về thời kỳ trước Pol Pot, được giữ trong Văn khố của Hội thừa sai Paris. Nhiều học giả Khmer đã trình bày các đóng góp về những khuôn mặt đặc biệt trong năm thế kỷ lịch sử: từ các hoạt động chống chế độ nô lệ cho đến những bài về căn tính Khmer, kể cả vấn đề dịch Kinh thánh.

Cha Franco Legnani, thuộc hội PIME, Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Milano, đang hoạt động tại Campuchia, nhận định rằng: tôi nghĩ Hội nghị này đã đạt được mục tiêu, nghĩa là nhóm họp các học giả quan tâm nghiên cứu và đào sâu lịch sử chung của nhân dân Campuchia, và của Giáo hội, để khích lệ ý muốn tiếp tục những nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi là một cộng đoàn bé nhỏ, nhưng điều quan trọng là phổ biến những căn cội lịch sử chúng tôi. Trong một lúc nào đó, sự hiện diện của Kitô giáo, quá gắn liền với chế độ bảo hộ, đó là điều đúng, nhưng không thể đóng khung trong kinh nghiệm ấy. Một điều cũng quan trọng là cho thấy chúng tôi không phải như nhiều giáo phái đến nước này chỉ sau thời kỳ Pol Pot: chúng tôi đã chia sẻ lịch sử và những đau khổ với người Khmer”.

(Asia News 17-9-2023)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail