Hy vọng của Đức ông Phó Đại diện Tông tòa Phnom Penh về Giáo hội Công giáo tại Campuchia

Photo: catholiccambodia.org
Hãng tin Asia News của Hội thừa sai Pime ở Milano bắc Ý, chào mừng việc Đức Thánh cha bổ nhiệm một linh mục bản xứ, cha Pierre Suon Hangly, làm Phó Đại diện Tông tòa thủ đô Phnom Penh với quyền kế vị, là một sự kiện rất quan trọng và là dấu chỉ cho Giáo hội Công giáo tại nước này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức ông Suon Hangly, cho đến nay là Phủ doãn Tông tòa Kompong-Cham, năm nay 53 tuổi (1972), sinh trưởng tại Phnom Penh và thụ phong linh mục cách đây 24 năm, ngày 09 tháng Mười Hai năm 2001, đậu Cao học Thần học Linh đạo tại Đại học Công giáo Paris năm 2015, rồi làm Giám đốc Đại chủng viện quốc gia thánh Gioan Maria Vianney, sau đó làm quyền Đại diện tại Địa phận Đại diện Tông tòa Phnom Penh trong 5 năm, từ 2017 đến 2022, là năm cha được Tòa Thánh bổ nhiệm coi sóc Phủ doãn Tông tòa Kompong-Cham (2022).

Nay, trong nhiệm vụ mới, Đức ông Pierre Suon Hangly phụ giúp và sẽ kế nhiệm Đức cha Olivier Schmitthaeusler, 55 tuổi (1970) người Pháp thuộc Hội thừa sai Paris, từ 15 năm nay làm Đại diện Tông tòa Phnom Penh. Trong tương lai không xa, Đức ông Hangly sẽ trở thành giám mục thứ hai người Campuchia, sau Đức cha Joseph Chhmar Salas, thụ phong giám mục trong một hoàn cảnh bi thảm hồi tháng Tư năm 1975 và hai năm sau, ngài đã chết trong cuộc bách hại của Khmer Đỏ.

Trong chứng từ được hãng tin Asia truyền đi, hôm 29 tháng Sáu vừa qua, Đức ông Hangly nhắc lại rằng Giáo hội Công giáo tại Campuchia đã hiện diện từ thế kỷ XVI và đến năm 1968 thì được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tổ chức thành ba đơn vị Giáo hội: trước tiên là địa phận Đại diện Tông tòa Phnom Penh, và hai Phủ doãn Tông tòa Battambang và Kompong Cham. Tuy có từ lâu đời nhưng Công giáo tại đây vẫn còn rất non trẻ. Trẻ vì đã bị thương tổn trầm trọng trong thời Khmer Đỏ, và chỉ được tái thiết từ thập niên 1990. Bé nhỏ vì cả nước chỉ có 23.207 tín hữu Công giáo, nghĩa là 0,13% dân số toàn quốc, trong đó 96,49% là Phật tử, 2% theo Hồi giáo và 1,38% thuộc các tôn giáo khác.

Trong Giáo hội tại Campuchia, các linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, phần lớn các tín hữu là người gốc Việt Nam, trong khi người Campuchia chỉ chiếm 30% số tín hữu Công giáo tại nước này.

Sứ vụ của Đức ông Hangly

Theo Đức ông Phó Đại diện Tông tòa, việc bổ nhiệm này là một dấu chỉ sự tiến bộ của Giáo hội địa phương, nhưng đồng thời cũng là một thách đố mục vụ. Ngài nói: “Tôi thường tự hỏi chúng ta phải làm gì để hướng dẫn Giáo hội chúng ta một cách tốt đẹp?” Theo ngài, điều may mắn là có các thừa sai hỗ trợ, các vị thuộc Hội thừa sai Paris, thừa sai Hàn Quốc, Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Milano, gọi tắt là Pime, các thừa sai Ấn Độ...

Đức ông cũng kể lại hoạt động của ngài tại Kompong Cham, một giáo hạt gồm tám tỉnh được chia thành bốn vùng mục vụ, tổng cộng có 32 giáo xứ, xứ lớn nhất là họ đạo Việt Nam ở Neak Loeng, theo sau là Bousra, một xứ đạo của chủng tộc Phnong. Các giáo xứ khác chỉ có từ 5 đến 80 giáo dân. Chỉ có 21 linh mục thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó có 4 người Khmer, kể cả ngài, 3 linh mục người Pháp, 1 người Ý, 4 người Ấn Độ, 4 Hàn Quốc, 1 người Colombia, 1 Ecuador, 1 Philippines và 1 Malaysia. Hiện thời, có hai cộng đoàn nữ tu: các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Kompongcham có 9 nữ tu Khmer và 4 chị người Việt. Tiếp đến là một cộng đoàn nữ tu Salesienne, có hai nữ tu làm việc với những người Phnong ở Mondulkiri.

Mặc dù nhỏ bé về số tín hữu Công giáo, nhưng Giáo hội Công giáo tại Campuchia rất tích cực trong lãnh vực giáo dục và từ thiện, săn sóc những người bệnh và người nghèo. Có 4 trường trung học và 20 trường tiểu học và mẫu giáo, và 11 nhà dành cho người trẻ tại các giáo xứ khác nhau.

Các thách đố

Theo Đức ông Hangly, Giáo hội Công giáo tại Campuchia đang đương đầu với nhiều thách đố trong lãnh vực mục vụ, không những vì số tín hữu ít ỏi, nhưng còn vì sự phổ biến mau lẹ các phương tiện kỹ thuật tân tiến, cùng với nạn ma túy, thúc đẩy nhiều người trẻ bỏ học, các vấn đề liên quan tới di cư và buôn người, những người muốn tìm công ăn việc làm ở Campuchia và nước ngoài, nhưng sa vào cạm bẫy của những tay buôn người. Cũng may chính quyền tôn trọng dự do hành đạo của chúng tôi”.

Đức ông Hangly nhìn nhận rằng các linh mục thuộc nhiều xuất xứ và văn hóa khác nhau khiến cho việc làm việc chung trở nên khó khăn. Họ phải thích ứng với văn hóa Khmer để loan báo Tin mừng. Thật là khó hoán cải những người Campuchia theo Chúa Giêsu với một niềm tin chân thực. Nhiều tín hữu Kitô không còn đi nhà thờ nữa, vì họ di cư đi tìm việc làm hoặc vì những xung khắc trong giáo xứ.

(Asia News 29-6-2025)