Đức Hồng y Pizzaballa: Hiện nay hòa bình còn xa vời

Photo: lpj.org

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, nhận định rằng hiện nay chưa có viễn tượng hòa bình tại Thánh địa.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lên tiếng tại thành phố Lodi, bắc Ý, nhân “Cuộc Hội luận thánh Sebastiano”, thường diễn ra một tháng sau lễ kính thánh nhân, và trình thuật được đăng trên báo “Il Cittadino”, số ra ngày 21 tháng Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói rằng: “Nếu hiểu hòa bình [tại Thánh địa] là một đoạn kết có hậu tốt đẹp, thì chúng ta phải đợi vài thế hệ nữa. Trong lúc này không có bối cảnh thích hợp để đi tới hòa bình, vì những vết thương cần thời gian mới có thể chữa trị”. Nhưng các tín hữu Kitô không thể mất hy vọng, và dầu vậy, điều quan trọng là ngăn chặn sự lan tràn oán thù, nó được biểu lộ nhất là qua ngôn ngữ; và cần làm việc để kiến tạo những cơ hội tái tạo sự tín nhiệm, và điều này không phải chỉ được thực hiện bằng lời nói, nhưng còn bằng những cử chỉ. Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể kiến tạo những cơ hội gặp gỡ và tương quan qua các tổ chức của chúng ta, các nhà thương, các nhà thờ của chúng ta”.

Đức Hồng y Pizzaballa cũng nói rằng: “Giữa hai dân tộc [Israel và Palestine) hiện nay có một tâm tình cô đơn, chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau... Mỗi dân tộc đều cảm thấy mình là nạn nhân, nhưng cảm thấy chỉ có mình là nạn nhân mà thôi và điều này làm cho việc nhận định về các biến cố trở nên rất phức tạp”.

Đức Hồng y Thượng phụ nhắc lại rằng “Ở Gaza, tình trạng thật là thê thảm: 90% dân chúng phải di tản và chúng tôi ước lượng khoảng một triệu 800.000 người. Phần lớn dân chúng chen chúc ở vùng Rafah, trên đường, nơi tuyệt đối chẳng có gì. Tất cả các cơ cấu hạ tầng đều bị phá hủy. Để tái thiết chắc chắn cần nhiều năm trời. Câu hỏi là: trong thời gian chờ tái thiết thì người ta làm gì?”. Trái lại, tại miền Cisjordani, “có khoảng ba triệu người Palestine trong một vùng, cho đến cách đây vài tuần, là một khu vực bị đóng kín. Và hậu quả của tình trạng này là những vấn đề kinh tế xảy ra, vì hai nguồn kinh tế của dân Palestine là số các tín hữu hành hương và những người vào làm việc tại Israel”.

Theo Đức Hồng y, khó lòng nhìn cuộc thương thuyết để ngưng chiến và trả tự do cho các con tin Israel hiện nay với đôi mắt tin tưởng, lý do vì “những điểm khởi hành giữa hai bên rất xa cách nhau và cộng đồng quốc tế không áp đặt được một đường hướng nào”.

(Sir.it 21-2-2024)