Các giám mục Niger, Burkina Faso và Nigeria chống can thiệp quân sự

Photo: cesi-italia.org

Các giám mục ba nước Niger, Burkina Faso và Nigeria bên Phi châu chống lại nguy cơ can thiệp quân sự, sau khi mãn hạn lệnh tối hậu của cộng đồng kinh tế Tây Phi, gọi tắt là Ecowas, đòi giới quân nhân đảo chánh ở nước Niger phải trả tự do cho Tổng thống nước này là ông Mohammed Bazoum và phục hồi quyền bính hợp pháp cho chính phủ dân cử tại đây.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lệnh tối hậu đã kết thúc hôm 06 tháng Tám vừa qua. Cộng đồng kinh tế Tây Phi hiện do Nigeria lãnh đạo, vì ông Bola Ahmed Tinubu, Tổng thống nước này, đang là chủ tịch theo lượt.

Nhưng viễn tượng can thiệp quân sự khiến cho nhiều người lo lắng và chống đối. Cả Thượng viện của Nigeria cũng không tuyên bố ủng hộ, trong khi bảy bang tại Nigeria mạnh mẽ phê bình biện pháp can thiệp quân sự chống giới quân phiệt ở Niger.

Hội đồng Giám mục Nigeria, qua thông cáo của Đức cha Chủ tịch Lucius Iwejuru Ugorij, Tổng giám mục Owari, kêu gọi Tổng thống Tinubu khuyên các vị quốc trưởng trong Cộng đồng kinh tế Tây Phi tránh cám dỗ dùng chiến tranh để trừng phạt các quân nhân đảo chánh ở Niger. Ngài nói: “Chúng tôi xin các vị quốc trưởng ngăn chặn sự đổ máu sắp xảy ra, theo sau cuộc can thiệp quân sự. Chúng ta đã phí phạm nhiều sinh mạng con người ở Phi châu. Chúng ta cũng đã phí phạm những nhân mạng quý giá ở Nigeria và chúng ta không thể tiếp tục cách thức kinh khủng này, vì bất kỳ lý do nào”.

“Trong khi phản đối vụ đảo chính, chúng tôi cũng phản đối chiến tranh, vì bất kỳ lý do nào. Xin Tổng thống Tinubu đừng tung quân nào vào Niger. Chúng ta đừng quên rằng trong sứ vụ do các quân nhân Nigeria hướng dẫn trước đây tại Liberia và Sierra Leone, Nigeria không những giữ một vai trò quan trọng, nhưng cũng đã bị thiệt hại nhiều về nhân mạng và vật chất”.

Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria cũng khẳng định rằng chiến tranh không giải quyết những tranh chấp. Tốt hơn nên đối thoại thay vì đi vào cuộc chiến tranh rộng lớn mà không ai có thể nói chính xác kết quả sẽ ra sao”.

Cả Hội đồng Giám mục Burkina Faso láng giềng của Niger cũng tuyên bố chống lại chiến tranh và khẳng định rằng: “Chúng tôi không hề tin nơi giải pháp võ lực. Thực vậy, làm sao không lo âu khi viễn tượng chiến tranh được đề ra trong số những giải pháp người ta nghĩ tới để ra khỏi cuộc khủng hoảng, khiến ta nghĩ tới một thứ “nước Libia” thứ hai, cho dù những hậu quả chết chóc và thảm họa của sự làm mất ổn định của các nước này tiếp tục gây ra đau khổ kinh khủng cho dân chúng tại miền Sahel”.

(Fides 7-8-2023)