Bách hại Kitô trở nên quỷ quyệt hơn

Fot. Santiago Mejía LC / Cathopic
Những hình thức kỳ thị và bách hại các tín hữu Kitô đã thay đổi trong những năm gần đây. Tại nhiều nước, những hành động này trở nên “quỷ quyệt” hơn và được thực hiện một cách tế nhị.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trên đây là nhận xét của ông Massimiliano Tubani, tân Giám đốc phân bộ tại Ý của Tổ chức bác ái Giáo hoàng Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican. Ông nhắc lại rằng theo những thống kê mới nhất, trên thế giới hiện có khoảng 325 Kitô hữu bị bách hại tại 60 quốc gia. “Nạn kỳ thị Kitô hữu đang gia tăng dưới những hình thức tinh tế và chúng tôi cần tỏ cho các ân nhân của chúng tôi để họ can thiệp một cách chính xác hơn. Cách đây vài năm, chúng ta có những vụ tấn công của nhà nước Hồi giáo chống các tín hữu tôn giáo thiểu số, các cuộc bách hại này rất tỏ tường.

Ngày nay, bách hại diễn ra dưới những hình thức kín đáo hơn, tuy rằng vẫn còn có những nước trong đó Kitô hữu bị giết vì là tín hữu Kitô. Chỉ cần nhắc đến tình trạng tại Nigeria, Burkina Faso, Mali và Niger bên Phi châu, nơi mà các cộng đoàn Kitô vẫn còn bị những nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công.

Ông Tubani nhắc đến những bách hại và hạn chế do một số chính phủ áp đặt như tại Nicaragua, tình trạng ngày càng tệ hơn: nhà nước hạn chế tối đa cuộc sống của Giáo hội, bắt giam giám mục hoặc trục xuất ra nước ngoài.

Tại Á châu, tình hình không kém phần phức tạp: tại Pakistan, luật chống phạm thượng chống Hồi giáo tiếp tục tạo nên những nạn nhân vô tội, tại Ấn Độ với sự gia tăng chủ nghĩa quốc gia Ấn giáo, bạo lực chống các nhóm tôn giáo thiểu số tiếp tục gia tăng, dù hiến pháp quốc gia bảo đảm tự do tôn giáo.

Ông Tubani cũng đề cập đến sự gia tăng bách hại tại Tây phương, mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là những hành động với “đôi găng tay trắng”. Tại các nước “dân chủ”, chủ nghĩa tuyệt đối tương đối hóa đe dọa sự hiện diện của Công giáo trong đời sống công cộng, bách hại về văn hóa tiếp tục, không có hình thức bạo lực, nhưng rất tinh tế và tìm cách làm suy yếu cộng đồng Kitô và sau cùng loại bỏ khỏi đời sống công cộng”.

(Ekai.pl 6-7-2024)

Tags