Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 19/02/2025: Tôn trọng

Một phú ông nọ được biết đến là người giàu có nhất trong vùng. Một hôm, gặp một người nghèo ở bên đường, ông ta vênh mặt lên nói: - Anh bạn nghèo kiết xác kia, ta đây là một phú ông giàu có nhất vùng, sao anh trông thấy ta mà không chào hỏi, không tôn trọng ta chút nào vậy? Anh người nghèo trả lời: - Ông giàu có thì có liên quan gì đến tôi? Tại sao tôi phải tôn trọng ông? Phú ông nói: - Ta sẽ chia một nửa tài sản của ta cho anh, anh sẽ tôn trọng ta chứ? Người nghèo đáp: - Ông chia một nửa tài sản cho tôi, vậy thì tôi và ông sẽ giống như nhau, tại sao tôi phải tôn trọng ông? Phú ông nói tiếp: - Vậy nếu ta cho anh toàn bộ tài sản của tôi thì sao? Người nghèo nói: - Vậy thì tôi lại càng không tôn trọng ông, vì lúc này tôi trở thành người giàu có, còn ông chỉ là kẻ nghèo mà thôi.

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong cuộc sống, không phải bất cứ người nào giàu có nhiều tiền là được người khác tôn trọng kính nể. Muốn có được sự tôn trọng của người khác, thì phải có những thứ khiến người ta phải tín phục. Đó chính là nhân cách, phẩm hạnh, sự tử tế và lòng thương cảm.

Giàu nhân giàu nghĩa thì nên, giàu tiền giàu bạc chẳng cho là giàu. Câu chuyện nhỏ trên phần nào cho thấy sự giàu có về của cải vật chất không đáng quý bằng nhân cách sống của con người. Muốn được người khác tôn trọng, chúng ta phải biết dùng tiền của cho đúng mực , biết chia sẻ và phục vụ người khác. Phục vụ và chia sẻ cho tha nhân là lúc chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa, vì tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta đều đã được sinh ra và lớn lên nhờ tình thương của Thiên Chúa. Nói cách khác Thiên Chúa luôn thi ân giáng phúc cho chúng ta qua ân huệ thiêng liêng, bổn phận của chúng ta phải biết chia sẻ với người khác. Khi quảng đại cho đi chúng ta càng được lớn lên trong tình yêu, càng được phong phú dồi dào ân sủng. Nếu chúng ta ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, chúng ta càng nghèo nàn thiếu thốn. Dụ ngôn “Ông Phú hộ và Ladarô nghèo” (x. Lc 16,19-31) là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta về thái độ sống yêu thương chia sẻ. Ai quảng đại cho đi sẽ được Thiên Chúa cho lại, Người sẽ cho chúng ta những đấu đủ lượng đã dằn đã lắc mà đổ vào vạt áo chúng ta. Đừng để của cải vật chất cản bước chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

Mẹ Têrêsa Calcutta là mẹ của những người nghèo lang thang và bị bỏ rơi trong xã hội. Mẹ đã không ngừng chăm sóc những người nghèo như chăm sóc chính Chúa Giêsu. Mẹ đã chia sẻ một cách chân thành rằng: “Mỗi lần các bạn thực hiện một việc hy sinh, mỗi lần các bạn nghĩ đến anh chị em nghèo khó bên cạnh, mỗi lần các bạn từ bỏ một điều mình ưa thích để nhường lại cho anh chị em nghèo khó, đó là các bạn cho Chúa Giêsu đang đói khát được ăn uống, cho Chúa Giêsu đang trần trụi được mặc, cho Chúa Giêsu không có nhà ở được trú ngụ”.

Thiên Chúa bênh vực người khốn khổ, bảo vệ quyền lợi cho kẻ khó nghèo (x. Tv 140,13). Chúa yêu thích người nghèo vì họ khiêm tốn tin vào Chúa, còn người giàu có thường kiêu căng cậy vào sức riêng mình. Người khiêm nhường yêu thích thi hành theo ý Chúa, còn kẻ kiêu căng chạy theo thói đời giả dối. Đức Thánh Cha Phanxicô là người yêu mến đức khiêm nhường khó nghèo đã cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Tính kiêu căng là mẹ của mọi mối chia cắt kinh điển đang hiện hành trong Giáo Hội, nó tạo nên một Tin Mừng bị “xâu xé bởi những tranh biện về giáo thuyết, những phân rẽ về ý thức hệ hay những kết án lẫn nhau giữa các Kitô hữu vì những cái nhìn khác nhau về Đức Kitô, về Giáo Hội và ngay cả những quan niệm khác nhau về xã hội và các thể chế nhân loại” (E.N, 77).

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nêu gương cho chúng con về đời sống nghèo và khiêm nhường, Chúa đã cúi xuống phục vụ những người nghèo, xin cho chúng con biết tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người nghèo, vì họ là gia tài của Giáo hội, là đối tượng được Chúa yêu thương cứu rỗi. Xin cho chúng con dám hao mòn đi vì tha nhân, dám cho đi mà không tính toán thiệt hơn, dám sống nghèo để có Chúa làm gia nghiệp. Amen.

Phương Anh