Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 12/08/2023: Khiêm tốn nhận biết chính mình
Vào một buổi sáng sớm, có chú dê nọ đi vòng quanh vườn bắp cải. Nó muốn ăn chút rau trong vườn nhưng không thể vào được vì có một lớp hàng rào chắn xung quanh. Lúc đó, mặt trời đang nhô lên, chú dê nhìn thấy bóng của mình càng ngày càng lớn dần. Nó ngạo mạn nói: “Ồ, xem kìa, tướng của ta cao to thế này có thể ăn được quả trên cây, chứ rau cải trong vườn có khó gì cơ chứ”. Nó thích thú tự mãn đứng ngắm cái bóng của mình suốt cả ngày cho đến khi mặt trời lặn mà cái bụng vẫn đói meo trống rỗng.
Quý vị và các bạn thân mến,
Thái độ kiêu căng tự mãn khiến người ta chỉ tôn mình lên mà không nhận biết những giới hạn của chính mình và không còn khả năng mở lòng ra với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Tính kiêu căng là mẹ của mọi mối chia cắt kinh điển đang hiện hành trong Giáo Hội, nó tạo nên một Tin Mừng bị xâu xé bởi những tranh biện về giáo thuyết, những phân rẽ về ý thức hệ hay những kết án lẫn nhau giữa các Kitô hữu vì những cái nhìn khác nhau về Đức Kitô, về Giáo Hội và ngay cả những quan niệm khác nhau về xã hội và các thể chế nhân loại” (E.N, số 77). Đối nghịch với kiêu căng tự mãn là đức khiêm nhường. Đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức.
Trong đời sống thiêng liêng, ai muốn nên thánh, phải học sống khiêm nhường. Thiên Chúa yêu mến người khiêm nhường vì họ đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, còn kẻ kiêu căng thường cậy dựa vào sức mình. Người khiêm nhường yêu thích thi hành theo ý Chúa, còn kẻ kiêu căng chạy theo thói đời giả dối. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta phải chống lại tinh thần thế gian, nó là thứ cỏ lùng hút hết màu mỡ của đất khiến cây lúa không sinh hoa kết quả (x. Mt 13,22).
Thái độ khiêm nhường giúp chúng ta nhận biết những giới hạn của chính mình trước quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Bàn tay chúng ta không thể che được mặt trời, vì thế đừng cố tỏ ra mình là người quan trọng. Hãy học nơi Chúa Giêsu đức tính khiêm nhường và hiền lành. Người đã tự đồng hóa mình với người nghèo và người tội lỗi, đã bao dung độ lượng trước sự ngạo mạn của nhóm biệt phái và các kinh sư. Người đã trao hiến trọn vẹn để trở nên hy tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh Phaolô tông đồ cũng khuyên chúng ta cư xử với mọi người trong sự khiêm nhường “Anh em đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Đừng cho mình là khôn ngoan. Đừng lấy ác báo ác. Nhưng chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người”(Rm 12,16-18).
Mỗi ngày chúng ta phải sống gắn bó với Chúa trong sự khiêm nhường để không bị sa ngã trước bả vinh hoa phú quý, không bị những lời đường mật phỉnh gạt. Hãy mang tâm tình của một trẻ thơ, dám trao phó tương lai vận mệnh đời mình trong sự dẫn dắt của Chúa. Người khiêm nhường biết mình còn ở dưới thấp nên hướng lòng lên cao, còn kẻ kiêu căng luôn thấy mình là người hoàn hảo, nên họ không cần cố gắng vươn lên. Khiêm nhường chính là sống gắn bó với Cha trên trời. Vì thế, trước khi làm một việc gì, Chúa Giêsu đều cầu nguyện để biết được ý Chúa Cha.
Đứng trước Thiên Chúa toàn năng, chúng ta chỉ là kẻ phàm nhân nhọc nhằn với hai bàn tay trắng, có chăng là những bộn bề gian nan với những giọt mồ hôi và nước mắt, có chăng là những vụng về yếu đuối, có chăng là chút khát khao muốn chỗi dậy trở về sau tháng ngày đi hoang. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đợi để thi ân giáng phúc, để thứ tha an ủi vỗ về. Chỉ khi đón nhận ơn Chúa một cách tự do và khiêm tốn, chúng ta mới có thể cộng tác vào sự biến đổi bản thân ngày càng tốt hơn bằng những cố gắng của mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con người chúng con với đầy những giới hạn và yếu đuối, xin cho chúng con biết thành thật với chính mình, biết khiêm cung tạ ơn về tất cả những gì đã lãnh nhận từ lòng thương xót của Chúa. Chúa đã nêu gương cho chúng con về đức khó nghèo và khiêm nhường, Chúa đã không ngần ngại cúi xuống phục vụ những người nghèo, xin cho chúng con dám hao mòn đi vì tha nhân, dám cho đi mà không cần tính toán thiệt hơn, dám sống nghèo để có Chúa làm gia nghiệp. Amen.
Phương Anh