Đức Thánh cha tái kêu gọi tinh thần trách nhiệm chung bảo vệ môi trường

Photo: Vatican Media

Nhân Ngày Thế giới về môi trường, Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi tinh thần trách nhiệm chung của các vị hữu trách và tất cả mọi người trong việc bảo vệ môi trường, ảnh hưởng rộng lớn đến tương lai nhân loại.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 05 tháng Sáu vừa qua, dành cho những người đề xướng và tổ chức lễ hội “Green and Blue” - xanh lá cây và xanh dương, nhân Ngày Thế giới về môi trường, ghi dấu biến cố cách đây đúng 50 năm, ngày 05 tháng Sáu năm 1972, khai diễn Đại hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về môi trường con người, nhóm tại thành phố Stockholm, Thụy Điển.

Lễ hội bảo vệ môi trường ở Ý diễn ra ngày 05 tháng Sáu tại Roma, từ 10 giờ 30 sáng, tại Tòa thị chính và khu vực Hý trường Colosseo, với sự tham dự của các thị trưởng và những người dấn thân trong lãnh vực này. Còn tại Milano, sẽ diễn ra từ ngày 06 đến ngày 08 tháng Sáu này, tại Phòng thu IBM và BAM Thư viện các cây cối, với sự tham dự của các nhà khoa học, hiệp hội và xí nghiệp, trao đổi với nhau.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Hiện tượng thay đổi khí hậu tha thiết kêu gọi tinh thần trách nhiệm của chúng ta. Hiện tượng đó đặc biệt gây tổn thương cho những người nghèo và yếu thế, những người ít góp phần vào sự tạo nên hiện tượng này. Trước tiên, bảo vệ môi trường là một vấn đề công bằng, tiếp đến là vấn đề tình liên đới. Sự thay đổi khí hậu cũng thúc đẩy chúng ta đặt hoạt động của mình trên sự cộng tác trách nhiệm từ phía tất cả mọi người: thế giới chúng ta hiện nay rất lệ thuộc nhau và không thể phân chia thế giới thành những khối các quốc gia, lo tìm những lợi lộc riêng cho mình một cách riêng rẽ hoặc không thể bền vững được.

Đức Thánh cha nói: “Những vết thương gây ra cho nhân loại vì đại dịch Covid-19 và từ hiện tượng thay đổi khí hậu có thể ví với những hậu quả của một cuộc xung đột hoàn cầu”, trong đó kẻ thù thực sự chính là lối hành xử vô trách nhiệm, gây ảnh hưởng cho toàn thể mọi thành phần nhân loại chúng ta ngày nay và tương lai”.

Đức Thánh cha cũng xác quyết rằng: “Cũng như sau Thế chiến thứ II, ngày nay toàn thể cộng đồng quốc tế cũng cần dành ưu tiên cho việc thực hiện những hoạt động tập thể, liên đới, và sáng suốt, nhìn nhận “sự cao cả, cấp thiết và đẹp đẽ của thách đố đang được đề ra cho chúng ta” (Laudato sì 15)... Đây là một thách đố lớn và cam go, đòi hỏi phải đổi hướng, phải quyết liệt thay đổi những kiểu mẫu tiêu thụ và sản xuất ngày nay, quá nhiều khi chúng diễn ra trong nền văn hóa dửng dưng, và gạt bỏ môi trường cũng như gạt bỏ con người”.

Ngoài ra, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: thế giới khoa học cho thấy cần có sự thay đổi cấp thiết và không thể hoãn lại các biện pháp bảo vệ môi trường. Chúng ta cần củng cố sự đối thoại về cách thức trong đó chúng ta đang kiến tạo tương lai của trái đất này. (Laudato sì 14).