Công giáo Papua New Guinea hy vọng chân phước Phêrô To Rot được phong hiển thánh
Các tín hữu Công giáo tại Papua New Guinea, quốc gia Đức Thánh cha Phanxicô sẽ viếng thăm, từ ngày 06 đến ngày 09 tháng Chín sắp tới, hy vọng nhờ cuộc viếng thăm này, vị chân phước đầu tiên của Giáo hội địa phương là giáo lý viên Phêrô To Rot sẽ sớm được tôn phong hiển thánh.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ông Phêrô To Rot, giáo lý viên can trường, đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước, ngày 17 tháng Giêng năm 1995, trong thánh lễ trọng thể tại thủ đô Port Moresby.
Ông sinh năm 1912 tại Rakunai, một làng nhỏ ở Papua New Guinea, trong một gia đình Công giáo. Thân phụ ông sốt sắng cộng tác với các nhà truyền giáo và mẹ là một phụ nữ Kitô gương mẫu, chăm chỉ dạy dỗ bốn đứa con sống đạo.
Năm lên 18 tuổi, Phêrô To Rot gia nhập trường đào tạo giáo lý viên và thụ huấn từ năm 1930 đến năm 1933, rồi trở về làng Rakudai và hăng say giúp đỡ cha xứ, lúc bấy giờ là cha thừa sai Carlo Laufer, trong việc mục vụ và truyền giáo cho người đồng hương. Năm 24 tuổi, Phêrô To Rot lập gia đình với một thiếu nữ công giáo và gia đình Phêrô sống hạnh phúc và ba người con lần lượt chào đời. Tuy lập gia đình, nhưng Phêrô To Rot không hề xao lãng công việc truyền giáo. Thế chiến thứ hai tràn tới Papua và quân Nhật tiến chiếm đảo này. Sau đó, họ hạn chế các hoạt động tôn giáo, quản thúc các thừa sai và tu sĩ nam nữ.
Thấy thế, ông Phêrô can đảm đứng ra lãnh nhận trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn thay cho vị thừa sai bị quản thúc. Ông tổ chức và hướng dẫn các buổi cầu nguyện chung, cất giữ và trao ban Mình Thánh Chúa, chăm sóc và cứu giúp người nghèo quanh vùng, mặc dù hoạt động mục vụ này gây ác cảm đối với quân Nhật.
Tháng Ba năm sau, 1944, quân cảnh Nhật hạ lệnh bắt giam tất cả những ai sống đạo. Trong tư cách là một tín hữu nhiệt thành và là người hướng đạo cho cả cộng đoàn tại Rakunai, Phêrô To Rot không thể tuân theo các chỉ thị độc đoán của giới thống trị. Ông bị bắt và cầm tù, rồi sau đó bị một bác sĩ quân y người Nhật chích thuốc độc sát hại.
Cùng được tôn phong chân phước trong chuyến tông du năm 1995 của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, có chân phước Mary Mackillop tại Australia. Chân phước đã được tôn phong hiển thánh năm 2010. Những cố gắng xúc tiến án phong hiển thánh cho chân phước To Rot bị đình trệ vì thiếu tài chánh để tài trợ việc điều tra về phép lạ.
Nạn nghèo cũng là tình trạng chung ở Papua New Guinea. Quốc gia này thường gặp thiên tai, và nạn phá rừng, hoặc khai thác bừa bãi đã góp phần tạo nên tình trạng này. Như vụ mưa lũ làm cho đất lở hồi tháng Năm năm nay, làm cho hơn 650 người bị thiệt mạng, hàng ngàn người khác phải di tản.
Hôm mùng 08 tháng Năm vừa qua, trong buổi Tiếp kiến chung tại Quảng trường thánh Phêrô, tù trưởng Maundiya Kepanga là một trong bốn “Người bảo vệ rừng cây” ở Papua New Guinea, đã xin Đức Thánh cha góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên tại nước này. Papua New Guinea đứng thứ ba trên thế giới về diện tích rừng nhiệt đới, sau miền Amazonia ở Nam Mỹ và Congo bên Phi châu.
Ngoài ra, Hội bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô ở Australia cũng hy vọng sự hiện diện của Đức Thánh cha tại Papua New Guinea cũng giúp giải quyết số phận của khoảng 70 người tị nạn vẫn còn bị giam giữ ở Papua, theo một hiệp định với Australia, đưa đi xa những người xin tị nạn đến Australia bằng thuyền từ các nước láng giềng. Ông Mark Gaetani nói: Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể biết rõ về những người tị nạn đã trốn chạy khỏi Afghanistan, Trung Đông và Sri Lanka vẫn còn bị giam giữ trong những điều kiện thiếu vệ sinh, lương thực, điện và không được săn sóc sức khỏe.
(Ucan 27/8/2024)