Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Đức can đảm khiến ta chiến thắng sợ hãi, đương đầu với thử thách và bách hại

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 10 tháng Tư năm 2024, đã có hơn 10.000 tín hữu đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sau khi dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, Đức Thánh cha khai mạc buổi tiếp kiến với phần tôn vinh Lời Chúa, qua một đoạn ngắn trích từ thánh vịnh thứ 31 (2.4.25):

“Lạy Chúa, con nương náu bên Ngài, con sẽ không bao giờ thất vọng [..]. Vì Ngài là núi đá và thành lũy bảo vệ con, vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con... Hỡi mọi người, hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!”

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười bốn này có tựa đề là: Đức can đảm.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đức can đảm là gì?

Bài giáo lý hôm nay nói về nhân đức trụ thứ ba, là đức can đảm. Chúng ta đi từ sự mô tả trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo: “Can đảm là một nhân đức luân lý, giữa những khó khăn, đảm bảo sự cương quyết và kiên trì trong việc tìm sự thiện”. Nó củng cố quyết định chống lại những cám dỗ và vượt thắng những chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm khiến ta có khả năng chiến thắng sợ hãi, cả cái chết nữa, và đương đầu với thử thách và bách hại” (n.1808).

Đặc tính

Vì thế, đó là nhân đức “chiến đấu” nhất trong các nhân đức. Nhân đức đầu tiên trong các nhân đức trụ là đức khôn ngoan, nhất là nó liên kết với lý trí con người; và trong khi đức công bình tìm được nơi ở trong ý chí thì nhân đức thứ ba này thường được các tác giả kinh viện gắn liền với điều mà những người xưa gọi là “appetito irascibile”, đam mê thúc đẩy. Tư tưởng xưa kia không tưởng tượng ra một người không có những đam mê, chẳng vậy họ sẽ là một cục đá. Và người ta cũng không nói rằng những đam mê nhất thiết là tàn tích của một tội lỗi; nhưng chúng cần được giáo dục, chỉnh đốn, thanh tẩy bằng nước của bí tích Rửa tội, hoặc đúng hơn là bằng lửa của Chúa Thánh Linh. Một Kitô hữu không có can đảm, không uốn nắn sức mạnh của mình về sự thiện, không làm phiền toái một ai, thì đó là một tín hữu Kitô vô ích. Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa tinh ròng và lạnh lùng, không biết những cảm xúc của con người. Trái lại là đàng khác. Đứng trước cái chết của anh Lazzaro, bạn Ngài, Ngài đã bật khóc; và trong một số lối diễn tả của Ngài, có biểu lộ một tâm hồn say mê, như khi Ngài nói: Thầy đến để ném lửa vào trần thế và Thầy muốn nó được cháy lên dường nào!” (Lc 12.49); và đứng trước nạn buôn bán trong đền thờ, Chúa đã mạnh mẽ phản ứng (Xc Mt 21.12-13).

Hai chuyển động của đức can đảm

Nhưng bây giờ chúng ta hãy tìm một định nghĩa thiết yếu về nhân đức rất quan trọng này. Nó giúp chúng ta mang lại thành quả trong cuộc sống. Những người xưa, các hiền triết Hy Lạp cũng như các nhà thần học Kitô giáo - nhìn nhận trong đức can đảm hai chuyển động, một là thụ động, hai là tích cực.

Đối nội

Chuyển động thứ nhất hướng về nội tâm chúng ta. Có những kẻ thù nội tâm mà chúng ta phải đánh bại. Nó nấp dưới tên lo lắng, âu lo, sợ hãi, mặc cảm tội lỗi: tất cả những sức mạnh giao động trong nội tâm chúng ta và trong vài hoàn cảnh, làm cho chúng ta tê liệt. Bao nhiêu người chiến đấu đã gục ngã trước khi bắt đầu chiến đấu! Đức can đảm là một chiến thắng trước tiên chống lại chính mình. Phần lớn sợ hãi nảy sinh trong chúng ta là những điều siêu thực, và không hề xảy ra trong thực tế. Khi ấy, điều tốt nhất là cầu xin Chúa Thánh Linh và đương đầu với tất cả trong can đảm kiên nhẫn: từng vấn đề một, theo khả năng của chúng ta, nhưng không phải một mình! Chúa ở với chúng ta, nếu chúng ta tín thác nơi Chúa và chân thành tìm kiếm sự thiện. Vậy, trong mỗi tình trạng chúng ta, có thể trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Người là khiên thuẫn và giáp mã của chúng ta.

Đối ngoại

Sang đến chuyển động thứ hai của đức can đảm, lần này nó tích cực hơn. Ngoài thử thách nội tâm, có những kẻ thù bên ngoài, đó là những thử thách của cuộc sống, những bách hại, khó khăn mà chúng ta không ngờ và chúng chợt đến với chúng ta. Thực vậy, chúng ta có thể tìm cách dự phòng điều sẽ xảy ra cho chúng ta. Nhưng phần lớn thực tại gồm những biến cố không lường trước được, và trong biển mênh mông ấy nhiều lần thuyền của chúng ta bị sóng gió vùi dập. Khi ấy, đức can đảm làm cho chúng ta trở thành những thủy thủ kháng cự, không kinh hãi và không nản lòng.

Tác động của đức can đảm

Đức can đảm là một nhân đức cơ bản vì nó coi trọng thách đố của sự ác trên thế giới. Có người làm như thể nó không hiện hữu. Tất cả mọi sự tiến hành tốt, và cho rằng ý chí con người nhiều khi không mù quáng, và trong lịch sử, không có những thế lực đen tối mang lại chết chóc. Nhưng chỉ cần lật sách sử, hoặc rất tiếc là cả các báo chí, để khám phá những đen tối đau thương mà chúng ta phần nào là nạn nhân, và cũng có khi lại giữ vai chính: chiến tranh, bạo lực, nô lệ, đàn áp người nghèo, những vết thương không bao giờ lành và còn rướm máu. Đức can đảm làm cho chúng ta phản ứng và kêu to không chấp nhận như vậy. Tại Tây phương thoải mái của chúng ta, vốn làm cho mọi sự phần nào được nới lỏng, đã biến con đường trọn lành thành một thứ phát triển hữu cơ đơn giản, không cần những cuộc chiến đấu, vì tất cả dường như giống nhau đối với họ. Đôi khi chúng ta cảm thấy một sự nhớ nhung lành mạnh đối với các ngôn sứ. Không phải là điều rất hiếm hoi những người gây phiền toái và có những viễn kiến. Cần có người nào đó thúc đẩy chúng ta từ chỗ êm ấm chúng ta đang an hưởng và làm cho chúng ta lập lại một cách quyết liệt chống lại sự ác và tất cả những gì dẫn đến sự dửng dưng.

Vậy, chúng ta hãy tái khám phá trong Tin mừng đức can đảm của Chúa Giêsu và học từ nơi chứng tá của các vị thánh nam nữ.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu đến từ các giáo xứ ở Bỉ, Tiểu vương quốc Monaco và Pháp. Ngài mời gọi họ hãy tập luyện trong nhân đức can đảm và tìm được can đảm hăng sau biểu lộ đức tin.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào các nhóm đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Hòa Lan và Mỹ, đồng thời nói thêm rằng: “Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh, tôi khẩn cầu trên anh chị em và thân quyến tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến nạn lụt trầm trọng ở Cộng hòa Kazakhstan và liên đới tinh thần với dân chúng tại nước này.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu thuộc giáo xứ Bydgoszcz, đến Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập giáo phận. Ngài nói thêm rằng trong việc tập luyện hằng ngày nhân đức can đảm, có mẫu gương của vị bổn mạng giáo phận anh chị em, là chân phước Giám mục Michal Kozak, tử đạo tại trại tập trung Dachau [bên Đức]. Người đã nói rằng: “Sự thất bại về tinh thần của con người là điều đáng kinh tởm hơn một sự thất trận và người nghi ngờ vô tình trở thành đồng minh của kẻ thù”. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em và phó thác anh chị em cho sự phù hộ của Đức Trinh Nữ Maria.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm đặc biệt các linh mục, chủng sinh và các tín hữu ở đảo Sardegna bên Ý, về Roma nhân cuộc viếng thăm của các giám mục của mình nơi mộ các thánh tông đồ và gặp gỡ Tòa Thánh. Ngài cũng nhắc đến nhiều nhóm và hội đoàn khác, trong đó có cả một nhóm binh sĩ nhảy dù thuộc Lữ đoàn “Folgore”, Sấm Chớp, ở thành Livorno, Bắc Ý.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời cầu chúc cho mỗi người làm cho ánh sáng an ủi của sứ điệp Phục sinh tăng trưởng trong tâm hồn. Sứ điệp này mời gọi củng cố niềm tin và hy vọng nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại.

Đức Thánh cha không quên tái kêu gọi liên đới và cầu nguyện với các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina, Thánh địa và Myanmar. Tại Ucraina, các cuộc tấn công không ngừng với các máy bay không người lái, làm gia tăng số người chết, thường dân cũng như các binh sĩ.

Còn tại Gaza, gần đây nhất là vụ không quân Israel tấn công, tối ngày 09 tháng Tư tại thành phố Zawada, làm cho 11 người chết, trong đó 7 phụ nữ và 4 trẻ em.

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta đừng quên Myanmar, xin Chúa ban hòa bình cho dân nước này!”