Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Castel Gandolfo

Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật, ngày 13 tháng Bảy năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ thánh Tômasô Villanova, cạnh dinh thự mùa hè của Đức Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, nơi ngài đang nghỉ hè trong thời gian hai tuần lễ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đi trên chiếc xe điện mui trần để chào thăm đông đảo dân chúng chờ đón ngài trên con đường trung tâm thành phố để tới nhà thờ.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có Đức Hồng y Michael Czerny Dòng Tên, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện và Đức cha Vincenzo Viva, Giám mục Giáo phận Albano sở tại cùng với hơn mười linh mục, trước sự tham dự của khoảng 200 tín hữu, vì nhà thờ nhỏ bé. Trong khi đó hàng trăm tín hữu khác tham dự từ bên ngoài.

Bài giảng

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã diễn giải dụ ngôn người Samaritano nhân lành như được thuật lại trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ XV Thường niên năm C. Đức Thánh cha nói: “Từ bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, chúng ta nghe một trong những dụ ngôn đẹp đẽ và xúc tích nhất trong số những dụ ngôn được Chúa Giêsu kể lại, đó là dụ ngôn người Samaritano nhân lành (Lc 10,25-37).

Trình thuật này tiếp tục thách thức chúng ta ngày nay, đánh động sự yên hàn trong lương tâm ngái ngủ hoặc lơ đễnh của chúng ta, khiêu khích chúng ta chống lại nguy cơ của một đức tin tự mãn, được thu gọn trong sự tuân giữ lề luật bề ngoài nhưng không có khả năng cảm thấy và hành động với cùng tấm lòng cảm thương của Thiên Chúa.

Quả vậy, lòng cảm thương là trọng tâm của dụ ngôn.... Điều đầu tiên đoạn Tin mừng này nhấn mạnh là cái nhìn. Thực thế, đứng trước một người bị thương nằm bên vệ đường sau khi rơi vào tay bọn cướp, Tin mừng kể lại: thầy tư tế và thầy lêvi “thấy và bước đi luôn” (v.32); trái lại, về người Samaritano, bài Tin mừng kể: “ông ta thấy và động lòng thương” (v.33).

Anh chị em thân mến, cái nhìn tạo nên sự khác biệt, vì nó diễn tả điều chúng ta có trong tâm hồn: ta có thể thấy và đi qua luôn, hoặc nhìn thấy và cảm thương. Một đàng là một sự nhìn thấy bên ngoài, lơ đễnh và vội vã, một cái nhìn giả bộ không thấy, nghĩa là không để cho mình bị tình hình đánh động, gọi hỏi; trái lại, có một cái nhìn với đôi mắt của con tim, một cái nhìn sâu đậm hơn, một sự cảm thương làm cho chúng ta đi vào tình trạng của người khác, làm cho chúng ta tham dự từ bên trong, chạm đến, đánh động chúng ta, đặt câu hỏi cho đời sống và trách nhiệm của chúng ta”.

Đức Thánh cha nói tiếp: “Cái nhìn đầu tiên mà dụ ngôn muốn nói với chúng ta là cái nhìn của Thiên Chúa đối với chúng ta, để chúng ta cũng học cách có cùng những đôi mắt như thế, đầy tình yêu và cảm thương đối với nhau. Thực vậy, người Samaritano nhân lành trước tiên là hình ảnh của Chúa Giêsu, Chúa Con hằng hữu được Chúa Cha sai đến trong lịch sử, vì Chúa đã nhìn nhân loại mà không bỏ đi luôn, nhìn với đôi mắt, con tim và lòng xúc cảm thương xót.” (...)

Đi vào tình trạng của mỗi người, Đức Thánh cha nói: “Vì thế, chúng ta hiểu tại sao dụ ngôn này cũng thách thức mỗi người chúng ta: Vì Chúa Kitô là biểu hiện của một vị Thiên Chúa cảm thương, nên tin nơi Chúa và theo Chúa như các môn đệ của Ngài, có nghĩa là để cho mình được biến đổi để cả chúng ta cũng có cùng những tâm tình như Chúa: một con tim biết xúc động, một cái nhìn, nhìn thấy mà không đi qua luôn, đôi tay cứu giúp và thoa dịu vết thương, đôi vai vững chắc vác gánh nặng của người đang cần”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến bài đọc thứ I thuật lại những lời của Môsê và dạy chúng ta rằng vâng theo mệnh lệnh của Chúa và hoán cải trở về cùng Ngài không có nghĩa là gia tăng những hành vi bề ngoài, trái lại là trở về cùng nội tâm để khám phá thấy rằng chính tại đó Thiên Chúa đã viết ra luật yêu thương. Nếu trong thâm sâu cuộc sống chúng ta khám phá thấy Chúa Giêsu, như người Samaritano nhân lành, yêu thương và chăm sóc chúng ta, thì cả chúng ta cũng được thúc đẩy yêu thương như vậy và chúng ta sẽ trở nên cảm thương như Ngài. Được Chúa Kitô chữa lành và yêu thương, cả chúng ta cũng trở thành những dấu chỉ tình thương và lòng cảm thương của Chúa trong thế giới”.

Áp dụng vào tình trạng ngày nay, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, ngày nay đang cần cuộc cách mạng tình thương này. Ngày hôm nay, con đường dẫn từ Jerusalem xuống thành Giêricô ở dưới mặt biển, là con đường của tất cả những người chìm sâu trong bất hạnh, trong đau khổ và nghèo túng; đó là con đường của bao nhiêu người bị những gánh nặng và vết thương của cuộc sống đè nặng; đó là con đường của tất cả nhưng người đi xuống đến độ mất cả bản thân và chạm tới đáy; và đó là con đường của bao nhiêu dân tộc bị bóc lột, cướp bóc, phá tán, nạn nhân của những chế độ chính trị đàn áp, của một nền kinh tế đẩy đưa họ vào cảnh nghèo, của chiến tranh giết chết những mơ ước và sinh mạng của họ”.

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Vậy chúng ta làm gì? Phải chăng chúng ta nhìn thấy và đi qua, hoặc chúng ta để cho mình bị con tim đánh động như người Samaritano? Nhiều khi chúng ta chỉ hài lòng làm bổn phận của mình hoặc chỉ coi những người thuộc phe của mình những người suy nghĩ như chúng ta, cùng quốc tịch hoặc tôn giáo với chúng ta; nhưng Chúa Giêsu đã đảo lộn quan niệm ấy khi trình bày cho chúng ta người Samaritano, một người ngoại quốc và rối đạo trở nên tha nhân của người bị thương ấy và Chúa yêu cầu chúng ta cũng làm như vậy”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Nhìn thấy mà không đi qua luôn, ngưng những cuộc chạy đua theo công việc, để cho cuộc sống của người khác, dù họ là ai, với những nhu cầu và đau khổ của họ đánh động tâm hồn tôi. Điều này làm cho chúng ta trở thành tha nhân của nhau, tạo nên một tình huynh đệ đích thực, làm sụp đổ những bức tường và những hàng rào. Và sau cùng, tình yêu mở ra không gian, trở nên mạnh mẽ hơn sự ác và sự chết”

Cuối thánh lễ, Đức Thánh cha đã tặng cho giáo xứ một chén thánh và trao món quà ấy cho cha sở Tadeusz Rozmus người Ba Lan.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30. Sau đó lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha xuất hiện tại cửa dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hàng ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Tự Do phía trước dinh này.