Đức Thánh cha tiếp kiến phái đoàn các Bộ trưởng Đặc trách về khuyết tật của G7
Sáng hôm 17 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các Bộ trưởng Đặc trách về khuyết tật, thuộc khối bảy cường quốc, quen gọi là G7 và ngài ca ngợi hoạt động của các vị là “một dấu chỉ hy vọng trong một thế giới quên lãng những người tật nguyền”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Các Bộ trưởng này đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada và Ý, vừa kết thúc khóa họp tại miền Umbria, trung Ý.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh cha bày tỏ lòng biết ơn và ca ngợi sự dấn thân của các Bộ trưởng và các đại biểu trong việc thăng tiến phẩm giá và các quyền của những người khuyết tật. Ngài kể: một lần kia, khi nói về những người khuyết tật, một người nói với tôi: “Nhưng quý vị hãy chú ý rằng tất cả chúng ta đều có một khuyết tật nào đó! Đúng vậy. Cuộc gặp gỡ này, trong dịp G7, là một dấu chỉ cụ thể về ý chí xây dựng một thế giới công bằng hơn, bao gồm hơn, trong đó, mỗi người, với những khả năng của mình, có thể sống trọn vẹn và góp phần vào sự tăng trưởng của xã hội. Thay vì gọi là “discapacità”, thiếu khả năng, chúng ta hãy gọi đó là “những khả năng khác biệt.” Vì tất cả chúng ta đều có những khả năng. Ví dụ, tôi nhớ có một nhóm đến đây, thuộc một nhà hàng, những người làm bếp, cũng như những người phục vụ bàn, tất cả đều là những người trẻ, nam nữ, khuyết tật. Nhưng họ làm rất tốt, rất giỏi. Tôi cám ơn bà Alessandra Locatelli, Bộ trưởng Bộ khuyết tật Ý, đã đến đây, và thăng tiến sáng kiến quan trọng này”.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Quý vị đã ký Hiến chương ở Solvagnano”, kết quả khóa họp của quý vị về những đề tài cơ bản, như bao gồm, có thể đạt tới, đời sống tự lập, và đề cao các giá trị của con người. Những đề tài này rất hợp với quan điểm của Giáo hội về phẩm giá con người. Thực vậy, mỗi người là thành phần của gia đình đại đồng và không ai phải trở thành nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ. Thứ văn hóa này sinh ra những thành kiến và gây hại cho xã hội”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Không có phát triển nhân bản thực sự nếu không có sự đóng góp của những người dễ bị tổn thương nhất. Theo nghĩa đó, làm sao để tất cả mọi người đều có thể đạt tới, chính là một mục tiêu lớn cần theo đuổi, để mỗi hàng rào thể lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo bị loại bỏ, để mỗi người có thể phát huy những tài năng của mình và góp phần vào công ích”.
(Vatican News 17-10-2024)