Đức Thánh cha tiếp kiến cộng đồng người Afghanistan ở Ý

Photo: Vatican Media
Sáng ngày 07 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến cộng đồng người Afghanistan ở Ý, và trong dịp này, ngài khích lệ họ “theo đuổi ý hướng cao thượng thăng tiến sự hòa hợp tôn giáo và hoạt động để vượt thắng những hiểu lầm giữa các tôn giáo khác nhau để xây dựng những hành trình đối thoại, trong tín nhiệm và hòa bình”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cộng đoàn người Afghanistan ở Ý phần lớn gồm những người tị nạn. Từ năm 2021 đến nay, nước Ý đón nhận ít nhất bảy ngàn người.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh cha nhận xét rằng trong những thập niên gần đây, Afghanistan có một lịch sử phức tạp và bi thảm, với những chiến tranh và xung đột đẫm máu nối tiếp nhau, khiến người dân khó lòng được một cuộc sống yên hàn, tự do và an ninh”. Những tình trạng đó khiến nhiều người phải chọn con đường lưu vong.

Một đặc tính quan trọng của xã hội Afghanistan cũng như Pakistan là gồm nhiều dân tộc, mỗi dân tộc hãnh diện về văn hóa, truyền thống và lối sống đặc thù của mình. Đặc điểm này, nhiều khi, thay vì là cơ hội thăng tiến những điểm chung tối thiểu và bảo vệ những đặc tính và quyền lợi của mỗi người, thì chúng lại là động lực kỳ thị và loại trừ, nếu không muốn nói là những cuộc bách hại thực sự”.

Một nhận xét khác cũng được Đức Thánh cha nhấn mạnh, đó là “sự kiện tôn giáo, tự bản chất, lẽ ra nói phải góp phần làm dịu bớt những tương phản mạnh mẽ, thì lại tạo ra tình trạng mọi người không được nhìn nhận đầy đủ các quyền công dân theo tiêu chuẩn bình đẳng và không phân biệt đối xử. Nhiều khi tôn giáo bi lèo lái và lợi dụng, rốt cuộc chỉ phục vụ cho những ý đồ không dung hợp với tôn giáo. Trong những trường hợp ấy, tôn giáo trở thành yếu tố đụng độ và oán ghét, có thể dẫn tới những hành vi bạo lực”.

Trong ý hướng này, Đức Thánh cha nhắc đến Văn kiện về “tình huynh đệ nhân loại phục vụ hòa bình thế giới và sự sống chung”, được ngài ký kết với Đại Imam Đền thờ Al-Azhar, tại Abu Dhabi, ngày 04 tháng Hai năm 2019, trong đó có khẳng định rằng: “Các tôn giáo không bao giờ xách động chiến tranh và không xúi giục những tâm tình oán ghét, đố kỵ, cực đoan, và cũng không mời gọi bạo động hoặc đổ máu. Những tai ương này là kết quả của sự đi chệch các giáo huấn tôn giáo, lạm dụng tôn giáo vào mục tiêu chính trị và cả những giải thích của những nhóm người đã lạm dụng ảnh hưởng của tâm tình tôn giáo trong tim của con người để đưa họ thực hiện những điều chẳng liên hệ gì tới chân lý của tôn giáo”. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu tất cả “hãy ngưng lợi dụng tôn giáo để xách động oán thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, và ngưng lạm dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho những hành động giết người, lưu đày, khủng bố và đàn áp”.

(Sala Stampa 7-8-2024)