Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn Singapore
Sau khi viếng thăm và hội kiến riêng với Tổng thống Singapore, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến Đại học Quốc gia Singapore để gặp gỡ chính quyền. Đại học này thuộc hàng trổi vượt nhất Đông Nam Á, giống như Đại học Harvard, ở Mỹ. Đại học có một hội trường 1.700 chỗ và một nhà hát 450 chỗ, được dùng cho nhiều sinh hoạt khác nhau.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong số khoảng 1.000 người hiện diện, có các vị thuộc chính quyền dân sự, các vị lãnh đạo tôn giáo, giới doanh nhân và các đại diện xã hội và văn hóa của Singapore. Đặc biệt, cũng có một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Diễn văn của Tổng thống Tharman
Trong bài chào mừng Đức Thánh cha, Tổng thống Singapore nhắc đến cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II, tại Singapore cách đây 38 năm, và ông ca ngợi Tòa Thánh, dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh cha, mạnh mẽ cổ võ tình huynh đệ nhân loại và bảo vệ môi trường. Ông nói: “Đó là những thách đố cơ bản đối với thế giới ngày nay. Trật tự thế giới đang bị suy yếu, xung đột và gây hấn không ngừng. Có một sự bất bao dung gia tăng trong chính các xã hội. Đồng thời, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi khí hậu ngày càng mau lẹ, làm cho thế giới ít an toàn hơn đối với nhân loại”.
Tổng thống Tharman cũng nói đến những cố gắng của Singapore xây dựng và phát huy sự hòa hợp xã hội, giữa các chủng tộc, tôn giáo khác nhau. “Các cộng đồng tôn giáo tôn trọng nhau và tìm kiếm những điểm chung”. Ông cũng đề cao những đóng góp của Giáo hội Công giáo trong việc bảo vệ môi trường và ông cho biết “Kế hoạch Singapore xanh 2030 hướng dẫn cuộc chiến đấu của đất nước này chống thay đổi khí hậu: gia tăng gấp bốn việc sử dụng năng lượng mặt trời và giảm 30% rác rưởi. Ngoài ra, Singapore đã du nhập thuế than, với sự gia tăng từ từ để hỗ trợ chương trình tiến đến một nền kinh tế bớt thán khí hơn”.
Diễn văn của Đức Thánh cha
Trong diễn văn đầu tiên tại Singapore, Đức Thánh cha ca ngợi những thành tựu của Singapore về nhiều mặt và ngài khích lệ đất nước này cũng quan tâm đến những người nghèo và những người nhập cư.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Ai đến đây lần đầu tiên không thể có ấn tượng mạnh về một rừng các nhà chọc trời, như từ biển nổi lên. Các nhà này là một bằng chứng tỏ tường về tài năng của con người, về năng động của xã hội Singapore và của tinh thần nhạy bén của tinh thần kinh doanh tìm được nơi đây một mảnh đất màu mỡ để thể hiện mình”.
“Lịch sử Singapore là một lịch sử về sự tăng trưởng và kiên cường. Từ một nguồn gốc khiêm nhượng, quốc gia này đã đạt tới mức phát triển cao, chứng tỏ đây là kết quả của những quyết định hợp lý, chứ không do tình cờ: đó là kết quả của một sự dấn thân liên lỷ để hoàn thành những dự án và sáng kiến chín chắn, phù hợp với những đặc tính của nơi này”.
“Ngoài ra, điều quan trọng là Singapore không chỉ thịnh vượng về mặt kinh tế, nhưng còn cố gắng xây dựng một xã hội, trong đó công bằng xã hội và công ích rất được coi trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự tận tụy của quý vị trong việc cải tiến điều kiện sống của các công dân, qua những chính sách nhà ở công cộng, một nền giáo dục phẩm chất cao và một hệ thống y tế hiệu năng”. Tuy nhiên, Đức Thánh cha cũng nhắc đến nguy cơ một thứ duy thực dụng và tuyên dương công trạng, có thể đưa tới hậu quả không chủ ý nhắm tới, đó là hợp thức hóa sự loại trừ những người ở ngoài lề những lợi ích của tiến bộ”.
Đức Thánh cha nhìn nhận nhiều sáng kiến và chính sách nhắm nâng đỡ những người yếu và nói: “Tôi cầu mong rằng có một sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo, người cao niên, - những cơ cực của họ đã đặt nền tảng cho Singapore chúng ta thấy ngày nay - và để bảo vệ phẩm giá của những công nhân di dân, họ đóng góp nhiều cho việc xây dựng xã hội, và cần bảo đảm cho họ đồng lương công bình”.
Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng cần làm sao để những kỹ thuật tối tân của thời đại kỹ thuật số và những phát triển mau lẹ của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, đừng làm cho chúng ta thấy rằng điều thiết yếu là vun trồng những tương quan giữa con người với nhau, thực sự và cụ thể; và làm sao để các kỹ thuật này có thể đề cao giá trị của việc xích lại gần nhau và không tự cô lập một cách nguy hiểm, trong một thực tại tưởng tượng và không cảm nhận được”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng môi trường và chúng ta không được coi nhẹ, mà một nước bé nhỏ như Singapore có thể mang lại. Vị trí của quý vị thật là có một không hai, mang lại cho quý vị những tư bản, kỹ thuật và tài năng, những tài nguyên có thể hướng dẫn sự đổi mới để chăm sóc căn nhà chung của chúng ta... Sự dấn thân của quý vị để đạt tới một sự phát triển lâu bền và để bảo tồn thiên nhiên là một tấm gương để noi theo, và sự tìm kiếm những giải pháp mới mẻ để đương đầu với những thách đố về môi trường, có thể khuyến khích các nước khác cũng làm như vậy. Singapore là một ví dụ nổi bật về những gì mà nhân loại có thể thực hiện, khi cùng nhau hoạt động trong sự hòa hợp, với ý thức trách nhiệm và với tinh thần bao gồm mọi người và tình huynh đệ”.
Sau khi kết thúc diễn văn trên đây, Đức Thánh cha đã từ biệt Tổng thống Singapore để về Trung tâm thánh Phanxicô Xaviê, cách đó khoảng 31 cây số. Tại đây, lúc 12 giờ Đức Thánh cha đã tiếp kiến cựu Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) và phu nhân. Ông đã làm Thủ tướng trong 10 năm và mới mãn nhiệm hồi tháng Năm năm nay.