Đức Hồng y Koch: Mục đích của đại kết là loại bỏ chia cách Đông-Tây
Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng ngày nay gọi biến cố năm 1054 là “cuộc ly giáo giữa Giáo hội Đông và Tây phương”, đó không phải là điều hợp thời nữa và mục đích của Phong trào đại kết Kitô là loại bỏ sự phân cách Đông-Tây như vậy, và tiến tới sự hiệp thông Thánh Thể.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Koch năm nay 75 tuổi, người Thụy Sĩ. Ngài tuyên bố như trên trong bài tham luận tại Hội nghị nhóm tại Vienne, thủ đô Áo, trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng vừa qua, nhân Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đang tiến hành từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng này.
Theo Đức Hồng y, bước đầu tiên trong tiến trình đại kết là Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống nhìn nhận nhau. Bước thứ hai là tái lập sự hiệp thông. Ngài nói: “Chỉ có việc tái tạo sự hiệp thông Thánh Thể mới tái lập Giáo hội không phân rẽ giữa Đông và Tây phương, đó là mục tiêu đích thực của mọi nỗ lực đại kết Kitô”.
Cách đây 971 năm, tức là năm 1054, Đức Hồng y Humbert da Silva Candida, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Lêô IX, đến Constantinople để kiến tạo một liên minh quân sự hầu chống quân Normans, nhưng Đức Hồng y không thành công. Những hoàn cảnh không may đã đưa tới việc ra vạ tuyệt thông cho Đức Thượng phụ Micae Kerullarios, và sau đó ít lâu Giáo hội Chính thống do Đức Thượng phụ Kerullarios cũng phạt vạ tuyệt thông Giáo hội Công giáo Roma. Trong lịch sử Giáo hội, biến cố đó thường được coi là ngày chính thức chia cách giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống.
Cách đây gần 60 năm, hai khối Giáo hội Công giáo và Chính thống đã thực hiện những bước đầu tiên để hòa giải: ngày 07 tháng Mười Hai năm 1965, một ngày trước khóa họp cuối cùng của Công đồng chung Vatican II, Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ chung Athenagoras đã ký một “tuyên ngôn chung”, đồng thời tại Đền thờ thánh Phêrô ở Roma và Nhà thờ Chính tòa thánh Giorgio thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên ngôn lấy làm tiếc về vạ tuyệt thông, “xóa bỏ vạ này khỏi ký ức và con tim của Giáo hội, đồng thời đẩy nó vào quên lãng”.
Trong bài thuyết trình, Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng “Xì căng đan 1054” không đưa tới sự ly giáo hoặc ra vạ tuyệt thông giữa Giáo hội Latinh và các Giáo hội Đông phương Hy Lạp. Chỉ về sau này, ngày đó mới có ý nghĩa biểu tượng như thế. Dĩ nhiên, sự ly giáo giữa Đông và Tây phương đã bắt đầu trước năm 1054 và còn tiếp tục.
Theo Đức Hồng y, công trạng lớn nhất của Tuyên ngôn chung năm 1965 là các tông sắc phạt vạ tuyệt thông năm 1054 không mang hiệu năng như chúng đã có trong một thời gian dài của lịch sử và qua đó, làm ô nhiễm tương quan giữa người Latinh và người Đông phương”. Đức Hồng y giải thích rằng Kitô giáo đã bị chia rẽ qua bao thế kỷ, linh đạo khác nhau đã đưa tới những hiểu lầm. Rồi có những lý do chính trị, như những hành động tàn ác của đạo binh Thánh Giá và sự hiện hữu của hai hoàng đế ở Đông và Tây phương, từ khi Charlemagne lên ngôi. “Từ đó, không còn quyền bính nào được cả hai bên nhìn nhận, sự lên ngôi và trao vương miện đó là điều rất tai hại cho sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Những hậu quả của Công đồng chung Trentô (1545-63) hồi thế kỷ XVI làm cho sự chia cách của các Giáo hội mang những hình thức bi thảm trong thế kỷ XVIII. Các tín hữu Latinh ngày càng xác tín rằng Giáo hội của Chúa Kitô chỉ có thể hiện hữu nơi nào người kế vị thánh Phêrô cai quản cộng đồng các tín hữu, và vì thế, các bí tích được ban ngoài quyền tài phán mục vụ của Đức Giáo hoàng thì không thể hữu hiệu được. Để nhấn mạnh điều đó, Bộ Truyền giáo ban một sắc lệnh vào năm 1729 tuyệt đối cấm việc hiệp thông sự thánh, tức là hiệp thông trong việc phụng tự. Đối lại, các thượng phụ Đông phương cũng phủ nhận giá trị của các bí tích Công giáo.
Theo Đức Hồng y Koch, lý do sâu xa của việc kết án lẫn nhau là “cả hai đều coi mình như một Giáo hội của Chúa Kitô và không được chuẩn bị để nhìn nhận phía bên kia cũng là Giáo hội của Chúa Kitô”. Do tình trạng đó, sự hiệp thông bí tích không còn được phép nữa và ly giáo trong thực tế trở thành biên giới tôn giáo.
(Ekai.pl 18-1-2025)