Tòa Thượng phụ Chính thống Nga bày tỏ mong đợi nơi Đức Giáo hoàng Lêô

Đức Tổng giám mục Antonij | orthochristian.com
Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ của Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, Đức Tổng giám mục Antonij, bày tỏ sự dè dặt về tình trạng mối tương quan hiện nay giữa Tòa Thánh và Giáo hội Chính thống Nga.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Thứ Bảy, ngày 26 tháng Bảy này, Đức Tổng giám mục sẽ được Đức Thánh cha Lêô XIV tiếp kiến tại Vatican. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Repubblica, Cộng hòa, số ra ngày 24 tháng Bảy vừa qua tại Ý, Đức Tổng giám mục Antonij cho biết từ khi Đức Hồng y Prevost đắc cử Giáo Hoàng ngày 8 tháng Năm năm nay, không có sáng kiến nào cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Nga và Vatican. Một cuộc gặp gỡ như vậy tại Jerusalem đã được cứu xét dưới thời Đức Giáo hoàng Phanxicô (2013-2025).

Giáo hội Chính thống Nga ca ngợi Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô vì lập trường của ngài đối với Nga. Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên của ngài với Đức Thượng phụ Alexis tại Cuba đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cố gắng hiểu căn cội cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina và có một lập trường quân bình. Mascơva biết ơn ngài vì đã mạnh mẽ phê bình những hoạt động của Ucraina chống Giáo hội Chính thống Nga.

Về Đức Giáo hoàng Lêô XIV, Đức Tổng giám mục Antonij cho biết là chưa bao giờ nói chuyện riêng với Đức Giáo hoàng, vì thế hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra một nhận định nào. Đức Tổng giám mục hy vọng sẽ thảo luận với Đức Giáo hoàng Lêô về “những viễn tượng phát triển mối tương quan giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo. Đứng trước trào lưu tục hóa ngày càng gia tăng, các tín hữu Kitô cần tăng cường cộng tác với nhau.

Về sứ vụ của Đức Hồng y Matteo Zuppi làm trung gian giữa Nga và Ucraina, Đức Tổng giám mục Antonij nói là đã biết Đức Hồng y Zuppi từ lâu. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Mascơva, Đức Thượng phụ cam đoan với Đức Hồng y về sự dấn thân chung cho hòa bình. Trong ý hướng này, các Giáo hội cần chú tâm tới những vấn đề nhân đạo.

Trước câu hỏi: Đức Tổng giám mục nhận xét gì về sự sẵn sàng của Đức Giáo hoàng Lêô để Vatican được chọn làm nơi diễn ra cuộc hòa đàm giữa Nga và Ucraina, Đức Tổng giám mục Antonij nói: “Người trung gian phải trung lập (...) Tôi không chắc Giáo hội Công giáo có thể coi mình là trung lập”. Đức Tổng giám mục nhắc lại rằng đại diện của Giáo hội Công giáo ở Kiev đã đồng ý với việc Giáo hội Chính thống Nga tại Ucraina bị cấm và bài trừ.

Ngoài ra, các giám mục thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương tại Ucraina đang tuyên truyền chống Nga mà Tòa Thánh không đưa ra phản ứng nào. Đức Tổng giám mục Antonij tái bác bỏ lập trường cho rằng Giáo hội Chính thống Nga tại Ucraina là “một tổ chức ở dưới ảnh hưởng của Nga”. Những lời cáo buộc này là “vô căn cứ”.

(KAP 24-7-2025)