Đức Hồng y Koch: Kỷ niệm 1.700 năm Nicea là một cơ may cho Phong trào đại kết

Cardinal Kurt Koch | Vatican News
Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, xác tín rằng dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea là một cơ may cho Phong trào đại kết Kitô, cùng với sự kiện năm nay, các Giáo hội Đông và Tây phương cử hành lễ Phục sinh vào cùng một ngày: Chúa nhật, ngày 20 tháng Tư sắp tới.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Thụy Sĩ (Cath.ch), Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ-Đức, nói rằng: “Năm 325, Giáo hội chưa bị chia rẽ. Vì thế, tất cả các cộng đồng Kitô trên thế giới có thể cùng kỷ niệm Công đồng đầu tiên này và cùng nhau tuyên xưng đức tin Kitô được xác định trong Công đồng Nicea”.

Kinh tin kính “Nicea - Constantinople” (được đọc trong các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng) vẫn được các Giáo hội Công giáo và Chính thống cùng tuyên xưng, cũng như những cộng đoàn xuất phát từ cuộc cải cách, và đó là một biểu tượng hiệp nhất. Điểm chính yếu của Công đồng này là sự tuyên bố rõ ràng rằng Chúa Kitô “có cùng bản thể với Chúa Cha”. Định tín này chấm dứt cuộc tranh luận thần học giữa Đức giám mục Alexandre và linh mục Ario. Linh mục này chỉ coi Chúa Kitô là “một người trung gian”, chứ không phải là Con Thiên Chúa.

Đức Hồng y Koch nhắc lại rằng chủ trương của linh mục Ario đã bị lên án quyết liệt và sau cùng, Công đồng khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu. Đức Hồng y cũng nêu bật những thách đố do chủ trương “Ario hóa” đức tin Kitô ngày nay. Thực vậy, có một toan tính đáng lo âu làm cho ý nghĩa niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô trở nên trống rỗng, vì “nhiều tín hữu ngày nay chỉ nhìn Chúa Kitô trong chiều kích phàm nhân của Ngài mà thôi”.

Một cuộc điều nghiên bên Đức cho thấy chỉ có 32% tín hữu Công giáo ở Đức tin rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, theo Đức Hồng y Koch, kỷ niệm Công đồng chung Nicea là một cơ hội đặc biệt để tái khẳng định sự tuyên xưng Kitô học này.

Công đồng chung đầu tiên cũng bàn tới việc xác định ngày lễ Phục sinh, vốn là điều vẫn còn gây tranh luận ngày nay, và dịp kỷ niệm 1.700 Công đồng là một cơ hội đặc biệt để duyệt lại vấn đề này. “Tuy có một ý chí muốn xác định ngày cử hành chung, nhưng chúng ta phải rất thận trọng, vì đây là một vấn đề tế nhị, không thể để nó tạo thêm những chia rẽ mới. Trong khi Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople cũng như Giáo hội Chính thống Copte ở Ai Cập cởi mở đối với vấn đề thống nhất ngày cử hành lễ Phục sinh, nhưng Tòa Thượng phụ Chính thống Nga thì lại chống lại.

Để mừng kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea, Tòa Thánh đang chuẩn bị các sinh hoạt đại kết cùng với các Giáo hội Kitô khác. Trước khi bị bệnh, Đức Thánh cha Phanxicô đã biểu lộ ước muốn tham dự các lễ kỷ niệm ở Nicea, bên Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Hồng y Koch cũng đề nghị các giáo xứ có thể cử hành kỷ niệm này một cách xứng đáng, bằng cách khuyến khích các linh mục giảng về kinh Tin kính và tổ chức các cuộc gặp gỡ để giải thích và đào sâu niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi.

Đối với Đức Hồng y Kurt Koch, Công đồng chung Nicea tiếp tục là một khúc quanh với những giá trị và sứ điệp vẫn còn quan trọng hơn bao giờ hết đối với những thách đố đang được đề ra cho Giáo hội ngày nay. Dịp kỷ niệm cống hiến cơ hội để thăng tiến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và canh tân niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô.

(Ekail.pl 6-4-2025)