Đức Thánh cha kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi
Đức Thánh cha Phanxicô đã kêu gọi nhà cầm quyền quân phiệt tại Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và cho biết sẵn sàng đón nhận bà tại Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Bán nguyệt san “Civiltà Cattolica, Văn minh Công giáo, của Dòng Tên ở Ý, xuất bản ngày 24 tháng Chín vừa qua, cho biết: Đức Thánh cha đã tiết lộ điều đó trong cuộc gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Indonesia, trong chuyến tông du hồi đầu tháng Chín này. Tóm lược các cuộc gặp gỡ đó đã được cha Antonio Spadaro, Chủ nhiệm Tạp chí “Civiltà Cattolica” và hiện là Phó Tổng thư ký Bộ Giáo dục và Văn hóa Công giáo.
Bà Aung San Suu Kyi nguyên là Cố vấn nhà nước Myanmar và từng được giải Nobel Hòa bình, đã bị nhà cầm quyền quân phiệt bắt giam và lên án, sau cuộc đảo chánh hồi năm 2021, và hiện nay người ta không biết bà bị giam ở đâu.
Đức Thánh cha nói với các tu sĩ Dòng Tên rằng: “Tôi đã yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Tôi đã tiếp con trai của bà ở Roma. Tôi đã đề nghị đón nhận bà trên lãnh thổ Vatican.” Ngài cho biết như trên, khi trả lời câu hỏi do một tu sĩ Dòng Tên nêu lên.
Hiện nay, Myanmar đang ở trong tình trạng nội chiến và Đức Thánh cha nhiều lần kêu gọi cầu nguyện cho nước này. Ngài cũng nhắn nhủ người anh em cùng dòng đừng mất hy vọng, khi chúng ta bị mất sự sống, gia đình, những giấc mơ và tương lai”.
Cũng liên quan đến Myanmar, Đức Thánh cha đã bày tỏ quan tâm đến số phận của những người Rohingyas, một sắc dân thiểu số theo Hồi giáo bị nhà cầm quyền Myanmar bách hại và một số lớn phải chạy sang Bangladesh láng giềng để tị nạn. Đức Thánh cha đã viếng thăm cả Myanmar và Bangladesh hồi cuối tháng Mười Một, đầu tháng Mười Hai năm 2017.
Trong cuộc gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Indonesia, Đức Thánh cha nói: “Không có câu trả lời phổ quát cho câu hỏi của anh em. Có nhiều người trẻ đang chiến đấu cho đất nước của họ. Tại Myanmar ngày nay, các bạn không thể im lặng, phải làm một cái gì đó! Tương lai đất nước của các anh em phải là một nền hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, tôn trọng trật tự dân chủ giúp mỗi người đóng góp vào công ích”.
(Vatican News 24-9-2024)