Đức Thánh cha kết thúc cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các nước vùng Địa Trung Hải tăng cường việc tiếp đón và hội nhập người di dân, cũng như đẩy mạnh việc chăm sóc người nghèo.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong diễn văn dài tại buổi họp bế mạc các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, sáng thứ Bảy, ngày 23 tháng Chín vừa qua, tại thành phố Marseille, nam Pháp.

Sau khi viếng thăm nhà của các nữ tu Thừa sai bác ái ở Saint Mauront, cụ thể là những người nghèo đang được tá túc và giúp đỡ tại đây, Đức Thánh cha đã đến Dinh Hải Đăng để tham dự phiên họp kết thúc “Các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”.

Tòa nhà hùng vĩ này tọa lạc gần Cảng Cũ của Marseille do hoàng đế Napoleon III xây cất để tặng cho vợ là nữ hoàng Eugenia, nhưng ông qua đời trước khi đến ở tại đây, và nữ hoàng tặng cho thành phố Marseille. Năm 1904, tòa nhà được biến thành trường y khoa và năm 2013, tòa nhà được tân trang và mở rộng thành trung tâm hội nghị và khách sạn. Tại đây có tám hội trường, và đại thính đường có thể đón nhận 900 người, một phòng triển lãm và một khu vực nhà ăn có thể đón nhận 1.000 thực khách.

Đức Thánh cha đến Tòa nhà Hải Đăng lúc gần 10 giờ và được Tổng thống Emmanuel Macron cùng với Đức Hồng y Aveline tiếp đón, hướng dẫn vào đại thính đường. Tại đây, trên sân khấu đã có đông đảo các giám mục Địa Trung Hải.

Và trong số 900 người hiện diện, có hơn 50 giám mục thuộc các giáo phận tại Pháp, các tham dự viên những ngày gặp gỡ vừa qua, kể cả hàng trăm người trẻ.

Photo: Vatican Media

Chào mừng và chứng từ

Mở đầu, Đức Hồng y Aveline, Tổng giám mục Giáo phận Marseille sở tại, đã giới thiệu với Đức Thánh cha các giám mục đến từ 25 nước ven Địa Trung Hải, đông đảo các giám mục Pháp, các vị lãnh đạo chính quyền: ngoài tổng thống và phu nhân còn có thủ tướng và một số vị bộ trưởng trong chính phủ Pháp. Đức Hồng y không quên cám ơn chính quyền thành phố Marseille đã cộng tác đắc lực vào việc tổ chức cuộc gặp gỡ này.

Đức Hồng y cũng bày tỏ tình liên đới với các dân nước ở Địa Trung Hải đang gặp khó khăn, chiến tranh và xáo trộn, vùng Trung Đông và cả Ucraina đang chịu chiến tranh.

Tiếp lời Đức Hồng y, mọi người đã xem một video kể lại những sinh hoạt của cuộc gặp gỡ, và một bạn trẻ và Đức cha, Tổng giám mục Giáo phận Tirana, Albani đã thuật lại chứng từ, bản thân ngài. Ngài vốn là một người trẻ tên là Arjan Dodaj, được giáo dục trong chế độ cộng sản vô thần và đã vượt biên sang Ý như một người di dân, được tiếp đón và giúp đỡ, rồi tìm được ơn gọi linh mục, hoạt động tại giáo phận Firenze, trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục thủ đô Tirana từ tháng Mười Một năm 2021.

Photo: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng trong dịp này, trước hết, Đức Thánh cha đặc biệt đề cao vai trò của giá trị của Địa Trung Hải cũng như của thành phố Marseille và các vấn đề của vùng này. Đức Thánh cha nói:

“Anh chị em thân mến, trong biển các xung đột ngày nay, chúng ta họp nhau nơi đây để đề cao giá trị của Địa Trung Hải, để nó tái trở thành phòng thí nghiệm hòa bình. Vì đây là ơn gọi của miền này, là nơi mà các nước và những thực tại khác nhau gặp gỡ trên căn bản nhân tính mà tất cả chúng ta đều có chung, chứ không dựa trên các ý thức hệ đối nghịch nhau. Đúng vậy, Địa Trung Hải diễn tả một tư tưởng không đồng nhất và ý thức hệ, nhưng đa diện và gắn liền với thực tại; một tư tưởng sinh động, cởi mở và hòa giải: một tư tưởng cộng đồng. Chúng ta rất cần tư tưởng đó, trong hoàn cảnh hiện nay, nơi mà những chủ nghĩa quốc gia lỗi thời và hiếu chiến muốn làm cho giấc mơ của cộng đoàn các dân nước bị tàn lụi! Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng với các võ khí, người ta gây chiến tranh, chứ không phải hòa bình, và với sự ham hố quyền bính, người ta quay ngược lại quá khứ, chứ không kiến tạo tương lai”.

Bắt đầu từ thay đổi đối với người nghèo

Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Đức Thánh cha nhắc đến việc Chúa Giêsu, bên bờ biển Galilea, bắt đầu mang lại hy vọng cho người nghèo, tuyên bố họ là những người có phúc: ngài lắng nghe những người túng thiếu, chữa lành các vết thương của họ, nhất là công bố Tin mừng Nước Chúa cho họ...

Và Đức Thánh cha khẳng định rằng chúng ta, Giáo hội và cộng đồng dân sự, cũng hãy tái khởi hành từ việc lắng nghe những người nghèo. Sự thay đổi bước đi của các cộng đoàn chúng ta hệ tại đối xử với người nghèo như những anh chị em mà ta biết lịch sử của họ, chứ không phải như những vấn đề gây phiền toái; đón tiếp chứ không che giấu họ, giúp họ hội nhập chứ không xua đuổi họ, mang lại phẩm giá cho họ. Ngày nay biển sống chung giữa con người bị ô nhiễm vì tình trạng bấp bênh, nó cũng làm thương tổn thành Marseille huy hoàng này. Và nơi nào đời sống bấp bênh thì có nạn tội phạm: nơi nào có nghèo nàn về vật chất, giáo dục, thiếu công ăn việc làm, văn hóa và tôn giáo, thì có cơ hội cho các tổ chức bất lương mafia và buôn bán bất hợp pháp phát triển. Sự dấn thân của các tổ chức mà thôi vẫn không đủ, còn cần có sự gia tăng ý thức để phủ nhận nạn bất hợp pháp và có tình liên đới, đây không phải là một giọt nước trong đại dương, nhưng là yếu tố không thể thiếu được để thanh tẩy nước”.

Liên đới với thảm trạng người nghèo

“Thực vậy, nguy hiểm thực sự về xã hội không phải là sự gia tăng các vấn đề, nhưng là suy giảm sự chăm sóc. Ngày nay, có ai trở nên tha nhân đối với những người trẻ bị bỏ rơi, dễ trở thành những con mồi cho nạn tội phạm và mại dâm? Có ai gần gũi những người bị biến thành nô lệ vì công việc làm mà lẽ ra phải làm cho họ được tự do hơn? Có ai chăm sóc các gia đình lo sợ cho tương lai và sinh sản con cái? Có ai lắng nghe tiếng kêu của những người già lẻ loi, thay vì được nêu cao giá trị, thì lại bị gạt ra ngoài lề, với một viễn tượng gọi là chết xứng đáng bằng sự an tử, bằng “cái chết ngọt ngào”, nhưng trong thực tế đó là cái chết mặn hơn là nước biển? Có ai nghĩ đến các hài nhi chưa sinh ra, bị từ khước nhân danh một quyền tiến bộ giả tạo, nhưng thực tế là thoái hóa trong các nhu cầu của mỗi người? Bao nhiêu người sống ngụp lặn trong bạo lực và phải chịu những tình trạng bất công và bách hại? Tôi nghĩ đến bao nhiêu tín hữu Kitô, thường buộc lòng phải rời bỏ xứ sở hoặc ở lại đó mà không được nhìn nhận các quyền của mình, không được hưởng trọn quyền công dân. Vậy chúng ta hãy vui lòng dấn thân để những người là thành phần xã hội có thể trở thành những công dân với đầy đủ các quyền...

Đức Thánh cha cũng nhắc đến sự kiện Địa Trung Hải, được gọi là “mare nostrum”, biển của chúng ta, đang biến thành “mare mortuum”, biển chết chóc, Địa Trung Hải, chiếc nôi của nền văn minh đang trở thành nấm mộ chôn vùi phẩm giá con người.

Đón tiếp người di dân

Trong phần hai của diễn văn, Đức Thánh cha nói về tiếng kêu bị bóp nghẹt của những anh chị em di dân. Ngài đi từ hình ảnh cảng Marseille, từ bao thế kỷ vẫn là cánh cửa mở toang hướng về biển cả, Pháp và Âu châu.

Đức Thánh cha bác bỏ những lời báo động hốt hoảng về cuộc xâm lăng của người di dân và gọi đây là một tình trạng khẩn cấp. Vấn đề di dân đã có từ lâu trong lịch sử và Địa Trung Hải cũng phản ánh thực trạng thế giới: một bên giàu sụ, tiêu thụ và phung phí và bên kia là những nghèo đói và bấp bênh. Những nước nghèo miền nam hướng nhìn về các nước miền bắc và ngày nay hố chia cách chưa bao giờ sâu rộng như ngày nay. Cả Giáo hội cũng đã tha thiết nói về vấn đề này, cách đây hơn 50 năm với thánh Phaolô VI, trong thông điệp “Phát triển các dân tộc”. Thánh nhân viết:

“Các dân tộc nghèo đói hiện nay đang gọi hỏi một cách bi thảm các dân tộc giàu có. Giáo hội rùng mình trước tiếng kêu lo âu ấy và kêu gọi mỗi người hãy yêu thương đáp lại người anh em mình” (n.3). Đức Giáo hoàng Montini đã liệt kê ba nghĩa vụ của các nước phát triển, theo tình huynh đệ nhân loại và siêu nhiên”, đó là: “Nghĩa vụ liên đới: nước giàu phải giúp đỡ các nước đang phát triển; nghĩa vụ công bằng xã hội: nghĩa là chấn chỉnh những tương quan mậu dịch thiếu sót giữa các dân tộc mạnh và yếu; nghĩa vụ bác ái đại đồng: nghĩa là thăng tiến một thế giới nhân bản hơn cho tất cả mọi người...” (n.44). Rất tiếc chúng ta phải nhận rằng thế giới đã không theo con đường ấy, nhưng đi vào con đường tham lam, sinh ra bất công”.

Tiếp đón, bảo vệ và hội nhập di dân

Cụ thể hơn, đối với những người di dân, Đức Thánh cha nhìn nhận có những khó khăn trong việc “tiếp đón, bảo vệ và hội nhập những người không được chờ đợi. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chủ yếu không thể là duy trì cuộc sống sung túc của mình, nhưng là cứu vãn phẩm giá con người. Những người chạy đến tị nạn nơi chúng ta, không thể bị coi như một gánh nặng phải mang: nếu chúng ta coi họ như những người anh em, thì họ sẽ trở nên cho chúng ta như những món quà. Chúa nhật ngày mai là Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, chúng ta hãy để cho lịch sử của bao nhiêu anh chị em đang gặp khó khăn đánh động tâm hồn, họ có quyền di cư hay không di cư và chúng ta đừng khép kín mình trong sự dửng dưng”. Lịch sử thúc giục chúng ta hãy gia tăng ý thức để phòng ngừa sự chìm đắm của nền văn minh. Thực vậy, tương lai sẽ không ở trong sự khép kín, trở về với quá khứ, đi ngược lại trên con đường lịch sử. Chống lại nạn bóc lột người, giải pháp không phải là xua đuổi, nhưng bảo đảm, theo khả năng của mỗi người, một số rộng rãi những người được nhập cư hợp pháp và đều đặn, nhờ sự tiếp đón công bằng từ phía Âu Châu, trong bối cảnh cộng tác với các nước nguyên quán.

Photo: Vatican Media

Hội kiến với Tổng thống Pháp

Sau diễn văn dài nửa tiếng đồng hồ của Đức Thánh cha, Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Éric de Moulins-Beaufort, của Giáo phận Reims, đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh cha và mọi người, rồi Đức Thánh cha chào thăm các vị đại diện các giáo phận vùng Địa Trung Hải hiện diện, trước khi gặp gỡ riêng Tổng thống Pháp và gia đình ông tại một phòng trong tòa nhà Hải Đăng.

Tổng thống Emmanuel Macron năm nay 46 tuổi (1977), hoạt động trong lãnh vực ngân hàng và tài chánh trước khi tham gia chính trị, rồi làm Bộ trưởng kinh tế, Công nghệ. Ông đắc cử Tổng thống hồi tháng Năm, năm 2017, sau đó được tái cử hồi tháng Sáu năm ngoái.

Trong khi Đức Thánh cha gặp Tổng thống, thì tại một phòng gần đó, Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hội kiến với bà Thủ tướng Pháp, có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá quốc vụ khanh, và Đức Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp.

Sau các hoạt động chính thức trên đây, Đức Thánh cha đã về Tòa Tổng giám mục Marseille để dùng bữa trưa.

Photo: Vatican Media
Tags