Tòa Thánh kêu gọi điều khiển trí tuệ nhân tạo

Đại diện Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, kêu gọi điều khiển trí tuệ nhân tạo (AI) để đạt tới một sự phát triển quân bình và hợp luân lý đạo đức.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Tổng giám mục Ernesto Ballestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận tại khóa họp thứ 28 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển. Ngài cảnh giác trước những nguy hiểm của chủ trương để cho kỹ thuật điều khiển, thay vào đó là sự điều khiển trí tuệ nhân tạo.
Đức Tổng giám mục Ballestrero khẳng định rằng Tòa Thánh nhìn nhận những tiến bộ của kỹ thuật tin học, mang lại những cơ may mới để phát triển trên hoàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lãnh vực kinh tế, xã hội và cai quản. Nhưng trên thế giới vẫn có những chênh lệch sâu rộng, trong việc đạt tới các kỹ thuật đang trổi lên, nhất là sự chênh lệch ấy gây thiệt hại cho các nước nghèo nhất, thiếu thốn các cơ cấu hạ tầng và tài nguyên, cũng như kiến thức để có thể hưởng những tiến bộ đó.
Tóm lại, Đức Tổng giám mục bày tỏ sự quan tâm của Tòa Thánh trước việc loại trừ các nước kém phát triển, không được nối với mạng hoàn vũ. Điều này, trong một thế giới kỹ thuật số, có nghĩa là các nước nghèo không được hưởng đầy đủ những cơ may về giáo dục và công ăn việc làm, ít phát triển các dịch vụ xã hội, cũng như đời sống kinh tế.
Đức Tổng giám mục Ballestrero đặc biệt nhận xét rằng điều quan trọng là đừng phổ biến ý tưởng sai lầm cho rằng các kỹ thuật có thể giải quyết mọi vấn đề. Thực tế là mặc dù các kỹ thuật mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, cống hiến những giải pháp mới cho nhiều thách đố, nhưng cần tránh rơi vào chủ trương duy kỹ thuật, có nguy cơ đẩy phẩm giá con người, tình huynh đệ và công bằng xã hội xuống hàng thứ yếu”.
Trong những nguy cơ được Đức Tổng giám mục Ballestrero cảnh giác, có nạn thị trường hóa giáo dục, những ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường việc làm, tiềm thể hóa những tương quan nhân bản, phổ kiến những tin giả và thông tin sai lầm, không kể những vi phạm đời sống riêng tư của con người. Vì thế, Tòa Thánh tái khẳng định sự cấp thiết phải quy luật hóa trí tuệ nhân tạo, chính vì những cơ may rất lớn mà phương thế này cống hiến, nhưng đồng thời chúng cũng tạo nên nhiều rủi ro nguy hiểm. Đó là chưa kể những hệ luận về luân lý đạo đức mà sự tập trung những ứng dụng phổ biến nhất trong tay một thiểu số xí nghiệp. Tóm lại, Tòa Thánh chào mừng tiến trình hiện nay về việc soạn văn kiện đánh giá nhóm làm việc về trí tuệ nhân tạo, được tổ chức “Global Digital Compact” đề nghị, coi đây là bước tiến tích cực đầu tiên để tiếp cận vấn đề trí tuệ nhân tạo quân bình và để ý tới những rủi ro nguy hiểm. Đặc biệt, cần làm sao để trí tuệ nhân tạo thăng tiến phát triển thực sự và các chủ thể pháp lý phải trả lẽ về việc sử dụng nó qua những phương thế thích hợp hầu bảo đảm sự minh bạch, đời sống riêng tư và trách nhiệm”.
(Vatican News 11-4-2025)
Trực tiếp
