Quốc hội Ucraina thông qua dự luật cấm Chính thống Ucraina gốc Chính thống Nga

Photo by Eugene on Unsplash
Hôm 20 tháng Tám vừa qua, Quốc hội Ucraina, gọi là Verkhovna Rada, đã thông qua chung kết dự luật cấm Giáo hội Chính thống Ucraina có liên hệ với Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Dự luật mang số 8371 được thông qua với 265 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Luật mang tên là “Luật bảo vệ trật tự hiến định trong lãnh vực hoạt động của các tổ chức tôn giáo”. Luật sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi được Tổng thống Zelensky ký và công bố.

Văn bản luật mới không nêu đích danh Giáo hội Chính thống Nga, nhưng khẳng định rằng: thứ I “luật cấm bất kỳ tổ chức tôn giáo nào có trụ sở tại một nước ‘bị nhìn nhận là đã hoặc đang thực hiện một sự tấn công võ trang chống Ucraina hoặc tạm thời chiếm đóng một phần lãnh thổ Ucraina; thứ II: cấm tổ chức tôn giáo nào trực tiếp hoặc gián tiếp (kể cả qua những diễn văn công cộng của cơ quan chỉ đạo) cổ võ sự tấn công võ trang chống Ucraina”. Điều thứ III của luật này định nghĩa “Giáo hội Chính thống Ucraina [thuộc Nga] là một sự kéo dài về mặt ý thức hệ chế độ của nhà nước gây hấn, đồng lõa với những tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại nhân loại, nhân danh Liên bang Nga và ý thức hệ “thế giới Nga”. Luật đích thị cấm sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo ấy trên lãnh thổ Ucraina. Cũng vậy, cấm các tổ chức tôn giáo gắn liền với những tổ chức tôn giáo nước ngoài bị tuyên bố là bất hợp pháp do luật này, hoặc các tổ chức tôn giáo không tôn trọng điều số 5 của luật năm 1991, về “tự do lương tâm và về các tổ chức tôn giáo”...

Sau khi Nga xâm lăng Ucraina, từ ngày 24 tháng Hai năm 2022, Đức Tổng giám mục Onufrij, Thủ lãnh Giáo hội Chính thống Nga ở Ucraina, đã công khai tuyên bố chống lại các cuộc hành quân của Nga. Cộng đoàn Giáo hội này đông đảo nhất tại Ucraina, với hơn 10.000 giáo xứ. Còn Giáo hội Chính thống Ucraina được chính phủ Ucraina hiện nay và được Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, ban sắc lệnh công nhận quyền độc lập hồi cuối năm 2018, thì nhỏ hơn. Đức Thượng phụ được coi là Giáo chủ danh dự chung của Chính thống giáo, nhưng bị Chính thống Nga phủ nhận. Sắc lệnh này gọi là “Tomos” hoàn toàn công nhận Chính thống Ucraina tách rời và độc lập khỏi Giáo hội Mẹ là Chính thống Nga, với Tòa Thượng phụ ở Mascơva. (Fides 21-8-2024)

Nhiều nhân vật và tổ chức nhân quyền ở Tây phương tỏ ra dè dặt và phê bình luật mới của Ucraina cấm Chính thống Nga. Họ khẳng định rằng nếu có ai thuộc giới lãnh đạo hoặc thành viên nào thuộc cộng đoàn Giáo hội này phản bội, làm gián điệp cho Nga thì cứ xét xử và trừng phạt họ theo luật, nhưng cấm đoán cả một cộng đoàn tôn giáo hàng triệu tín hữu, cũng là công dân Ucraina, đã hiện hữu lâu năm trong lịch sử quốc gia, thì hành động đó đáng bị phê bình.

Tuy nhiên, Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, bênh vực luật mới được quốc hội Ucraina thông qua. Giáo hội Công giáo này dưới thời Liên Xô đã từng bị chế độ cộng sản giải tán, năm 1946 qua một công nghị ngụy tạo và ép sáp nhập vào Giáo hội Chính thống Nga.