Năm mươi ngàn người Ba Lan biểu tình bênh vực sự sống
Chúa nhật, ngày 14 tháng Tư vừa qua, năm mươi ngàn người Ba Lan đã biểu tình tại thủ đô Varsava, giữa lúc tân chính phủ tả phái tại nước này tìm cách nới lỏng luật cho phá thai.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong tuyên ngôn ủng hộ cuộc biểu tình này, Đức cha Tadeusz Wojda, Tổng giám mục Giáo phận Gdansk, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, tuyên bố rằng: “Tôn trọng sự sống là một trong những giá trị và nghĩa vụ quan trọng nhất của mỗi người”.
Ban tổ chức cuộc tuần hành giải thích rằng hoạt động này gửi một tín hiệu rõ ràng, nói rằng: “Hãy hành động, hãy chung sức và tìm kiếm những câu trả lời thích hợp”. Theo Đài Vatican, những lời đó ám chỉ quyết định của quốc hội Ba Lan, hôm 12 tháng Tư vừa qua, về bốn dự thảo luật nhắm thay đổi luật nghiêm ngặt hiện hành về thai nghén, đang được một Ủy ban đặc biệt cứu xét.
Đoàn người biểu tình đặc biệt xúc động, khi các loa phóng thanh truyền đi những nhịp tim đập của một thai nhi. Cuộc biểu tình được trực tiếp truyền đi qua Radio Maria ở Ba Lan, đài truyền hình Lời Vĩnh Cửu EWTN Ba Lan, và một số cơ quan truyền thông khác.
Cùng với cuộc biểu tình này, được Hội đồng Giám mục Ba Lan bảo trợ, các giám mục còn kêu gọi các giáo xứ toàn quốc cầu nguyện cho các thai nhi trong tất cả các thánh lễ Chúa nhật, ngày 14 tháng Tư vừa qua.
Tòa bảo hiến Ba Lan, hồi năm 2020 đã tuyên bố là vi hiến, khi Quốc hội thông qua đạo luật từ năm 1993, cho phép phá thai trong trường hợp thai nhi dị tật hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Kể từ đó, việc phá thai chỉ được coi là hợp pháp nếu việc mang thai gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ, có thai vì bị hãm hiếp hoặc cận huyết.
Chính phủ tả phái lên cầm quyền từ tháng Mười Hai năm ngoái, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Donald Tusk, muốn cải tổ luật cho pháp thai. Tuy nhiên, các đảng trong liên minh cầm quyền ở Ba Lan, cho đến nay, chưa biết phải mở rộng và đi tới mức độ nào trong lãnh vực này. Trong số các đề nghị thay đổi được chính phủ này nhắm tới, có khoản dự luật cho phép phá thai tới tuần lễ thứ mười hai. Tuy nhiên, nếu dự luật này được Quốc hội thông qua, thì có thể phải đương đầu với sự phủ quyết của Tổng thống Andrzej Duda, một tín hữu Công giáo nhiệt thành.
(KAP 16-4-2024)