Hàn Lâm viện Tòa Thánh nhóm khóa họp về khoa học

Pontifical Academy of Sciences in the Vatican | Vatican News
Hàn Lâm viện Tòa Thánh về khoa học đang nhóm khóa họp toàn thể, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Chín này tại Vatican, dưới quyền chủ tọa của Giáo sư Chủ tịch Joachim von Braun, người Đức, và với sự phối hợp của Đức Hồng y Chưởng ấn Peter Turkson, người Ghana, nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hàn Lâm viện này có 80 thành viên, gồm các nhà khoa học thế giới, thuộc các ngành khác nhau.

Lẽ ra, Đức Thánh cha tiếp kiến Hàn Lâm viện này vào sáng hôm 23 tháng Chín vừa rồi, nhưng vì ngài bị sốt nhẹ, nên buổi tiếp kiến bị hủy, nhưng diễn văn của Đức Thánh cha được chuyển đến cho các thành viên để phổ biến lập trường của ngài.

Trong diễn văn nói trên, Đức Thánh cha kêu gọi phòng ngừa những rủi ro nguy hiểm do sự lạm dụng trí tuệ nhân tạo. Ngài nhắc nhở rằng những phát triển kỹ thuật nào mà không mang lại sự cải tiến chất lượng cuộc sống của nhân loại thì không thể gọi là tiến triển đích thực.

Đức Thánh cha nhận định rằng: “Tất cả chúng ta ngày càng lo âu trước ảnh hưởng mạnh mẽ của con người trên thiên nhiên, gọi là Antropocene, và các hệ thống sinh thái... Thực vậy, Antropocene đang cho thấy những hậu quả ngày càng bi thảm đối với thiên nhiên và con người, nhất là trong sự khủng hoảng khí hậu và làm mất sự khác biệt của các sinh vật”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến trí tuệ nhân tạo, có thể mưu ích cho nhân loại, “ví dụ trong lãnh vực y khoa và trợ giúp y tế, hoặc giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên, giúp sử dụng lâu bền các tài nguyên dưới ánh sáng những thay đổi khí hậu. Nhưng như chúng ta thấy, trí tuệ nhân tạo cũng có thể có những hậu quả tiêu cực trên dân chúng, nhất là đối với các trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, cần nhìn nhận và phòng ngừa những nguy cơ do việc lèo lái trí tuệ nhân tạo để uốn nắn, lèo lái dư luận quần chúng, ảnh hưởng trên những chọn lựa tiêu thụ và can thiệp vào những tiến trình bầu cử”.

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha tái khẳng định xác tín của Giáo hội về phẩm giá nội tại của mỗi người và tình huynh đệ liên kết chúng ta như những phần tử của một gia đình nhân loại duy nhất. Hai điều đó phải làm căn bản cho sự phát triển kỹ thuật... Những phát triển kỹ thuật nào không đưa tới sự tải tiến chất lượng của sống của toàn nhân lại, trái lại càng gia tăng sự chênh lệch và xung đột, thì không bao giờ có thể được coi là tiến bộ đích thực” (Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2024, 2).

Chủ đích khóa họp

Thông cáo trên mạng của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về khoa học cho biết, chủ đề của khóa họp này là Antropocene, tức là những can thiệp và thay đổi của con người đối với trái đất, và trí tuệ nhân tạo. Trong khóa họp, các nhà khoa học tìm cách xác định những giải pháp khoa học và hợp tác với các chuyên gia chính trị và xã hội, kể cả các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Công giáo, để áp dụng các hoạt động đổi mới, hầu khắc phục những vấn đề nhân loại đang phải đương đầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi những cuộc khủng hoảng, chiến tranh và nhiều nguy cơ khác đe dọa dân chúng và trái đất, như người ta thấy hiện nay. Các ngành khoa học có mục đích phải coi hòa bình là mục tiêu, hòa bình như một điều kiện tiên quyết để có phát triển bền vững.

(Sala Stampa 23-9-2024; Web Hàn lâm viện 22-9-2024)

Tags

Trực tiếp

Livesteam thumbnail