Gần bảy triệu người Ucraina di tản vì chiến tranh

Photo: Kevin Bückert / Unsplash
Tính đến tháng Tư năm nay, đã có 6,3 triệu người Ucraina di tản, từ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Điều này cũng tạo nên một thách đố đối với Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương trong việc mục vụ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hôm mùng 01 tháng Bảy vừa qua, ngày thứ hai trong Công nghị của các giám mục Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, nhóm tại Roma, các vị đã bàn về đề tài “Săn sóc mục vụ các gia đình thời chiến tranh”. Cha Yuriy Pidlisnyj, Phó Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Giáo dân thuộc Công nghị Giáo hội này, cũng tường trình cho các giám mục về tình hình người Ucraina tị nạn tại Liên hiệp Âu châu và Bắc Mỹ, vì phần lớn những người Ucraina di tản vì chiến tranh đang tạm trú tại các nước Âu châu, với sự giúp đỡ và phối hợp của các giáo xứ thuộc Công giáo Ucraina Đông phương ở các nước liên hệ.

Cha Pidlisnyj cũng nói rằng 90% người Ucraina tị nạn là phụ nữ và trẻ em, vì nam giới bị xung vào quân ngũ và đưa ra chiến trường để bảo vệ đất nước. Họ không thể rời khỏi Ucraina. Tuy nhiên, những xu hướng gần đây cho thấy dần dần có sự gia tăng số người nam Ucraina đoàn tụ với gia đình họ ở nước ngoài, nhất là khi xung đột dần ổn định tại một số miền”.

Trong số những người Ucraina tị nạn ra nước ngoài, đông nhất là một triệu 118.000 người ở Đức, tiếp đến là 995.000 ở Ba Lan, 398.000 ở Cộng hòa Tchèque, hơn 200.000 ở Anh quốc và 170.000 người ở Mỹ.

Vấn đề hàng triệu tín hữu Ucraina ấy có ý hồi hương hay không, đó là điều đặc biệt tế nhị. Thời kỳ đầu chiến tranh, hai phần ba người Ucraina di tản vì chiến tranh hy vọng sẽ sớm trở về nước, nhưng nay tình hình đã thay đổi. Tính đến giữa năm ngoái, 2024, một phần tư người Ucraina tị nạn, có ý hướng định cư luôn tại nước ngoài.

Còn những người Ucraina muốn về nước, lý do chính là để đoàn tụ với gia đình 56%, trở lại đời sống bình thường 56%, tham gia tái thiết đất nước 47%. Đồng thời, trong thực tế cho đến nay chỉ có 12% hồi hương và điều này cũng là một thách đố mục vụ đối với các vị hữu trách của Giáo hội Công giáo Ucraina.

Trong bản tường trình, cha Pillisnyj trình bày căn tính tôn giáo của những người Ucraina di tản nội địa: Phần lớn họ là Kitô hữu, đa số là tín hữu Chính thống; tiếp đến là Công giáo Đông phương, rồi Công giáo Latinh. “Nói chung, tại Ucraina hiện nay, gia đình người Ucraina di tản thường chỉ có người mẹ và một hoặc vài người con bị chấn thương vì chiến tranh, nhưng họ hy vọng, tìm kiếm sự ổn định và cũng lo lắng về tương lai của con cái. Họ mong đợi an ninh, giáo dục và gia đình sớm được đoàn tụ. Giấc mơ của họ ngày càng bị giằng co giữa một đời sống xứng đáng ở nước ngoài và ước muốn tái thiết quê hương, nếu và khi hoàn cảnh cho phép”.

Cha Pidlisnyj nhận xét rằng các gia đình này duy trì những mối quan hệ chặt chẽ với quê hương: hơn 90% trong số họ tích cực theo dõi các tin tức từ Ucraina và con cái họ thường theo học trực tuyến bằng tiếng Ucraina.

Công nghị Giáo hội Công giáo Ucraina Đông phương đang tiến hành tại Giáo hoàng Học viện thánh Josaphat ở Roma, từ ngày 30 tháng Sáu đến ngày 10 tháng Bảy tới đây, với chủ đề chính là: “Mục vụ các gia đình thời chiến tranh”, và hôm mùng 01 tháng Bảy vừa rồi, Đức Thánh cha Lêô đã tiếp kiến các thành viên của Công nghị này.

(Ekai.pl 2025-07-03)

Tags