Đức Tổng giám mục Công giáo Canđê hy vọng hòa bình, nhờ chính phủ mới của Mỹ

Đức Tổng giám mục Bashar Matti Warda | adiabene.org
Đức Tổng giám mục Bashar Matti Warda của Giáo hội Công giáo Canđê ở thành Erbil, thủ phủ miền Kurdistan, mạn bắc Iraq bày tỏ hy vọng, với sự đắc cử của tân Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, sẽ ảnh hưởng tích cực trên những nỗ lực hòa bình tại miền này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo ACI Mena, bằng tiếng Arập, truyền đi hôm 11 tháng Mười Một vừa qua, Đức Tổng giám mục Warda nhận xét rằng các tín hữu Công giáo trong vùng này đã gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh tại quê hương của họ. Mặc dù vẫn lo sợ những căng thẳng có thể tạo thêm bạo lực, nhưng họ tiếp tục hy vọng được sống an ninh bên cạnh những người đồng bào của họ. Họ tin rằng tương lai chung của họ tùy thuộc những lời hứa về hòa bình, thịnh vượng và xây dựng đất nước”.

Đức Tổng giám mục Warda cũng nhận xét rằng dân chúng trên thế giới ngày nay đang nhìn về Washington, quan sát kỹ xem tân Tổng thống Mỹ có chu toàn lời hứa khi tranh cử, là sẽ chấm dứt xung đột tại Trung Đông hay không. “Các tín hữu Kitô hy vọng chính phủ Mỹ sẽ duy trì quyết tâm ủng hộ hòa bình, bảo đảm sự ổn định cho những cộng đoàn ở nguyên quán của họ và cộng tác với các chính quyền địa phương để đảm bảo sự sống còn và thịnh vượng, đặc biệt trong những vùng các Kitô hữu tương đối hiện diện”.

Đức Tổng giám mục Warda nhắc lại lần gặp gỡ trước đây với Tổng thống Donald Trump, hồi tháng Mười Hai năm 2018, trong buổi lễ ký luật số 390 của Quốc hội Mỹ, chính thức nhìn nhận những hành động tàn ác chống lại các Kitô hữu và người Yazidis, là tội diệt chủng. Đức Tổng giám mục nói: “Luật này là tột đỉnh chiến dịch của chúng tôi muốn lưu ý thế giới về những đau khổ của các Kitô hữu và những người Yazidis, với sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội Mỹ, thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Luật cho phép chính phủ và các tổ chức nhân quyền điều tra về những tội ác kinh khủng của nhà nước Hồi giáo ISIS, truy tố thành viên của tổ chức này, và trực tiếp ủng hộ các tổ chức tôn giáo trong việc giúp đỡ các cộng đoàn của mình chữa lành sau thảm cảnh bị tàn phá”.

Đức Tổng giám mục Warda cũng đánh giá cao sự cộng tác chặt chẽ của Hội Hiệp sĩ Colombo ở Mỹ, từ năm 2014 đã thu thập và bổ túc cho hồ sơ về vấn đề này với những tài liệu và bằng chứng để giúp tiến tới đạo luật 390 vừa nói. Đức cha nói: “Hai năm cộng tác với các thành viên thuộc nhóm của Tổng thống Trump về vấn đề này, chứng tỏ họ hiểu rõ những đau khổ của các cộng đoàn tín hữu Kitô và Yazidis ở Iraq, cũng như ước muốn chân thành ủng hộ của họ”.

Đức Tổng giám mục Warda nhấn mạnh rằng trong hơn tám năm, những cuộc viếng thăm chính thức của các thành viên chính phủ của Tổng thống Trump tại Erbil, sự dấn thân của họ với các gia đình phải di tản, sự quan tâm và kinh nghiệm của họ, cũng như những tiếp xúc trực tiếp của họ với các vị lãnh đạo tôn giáo, phản ánh một cố gắng muốn mang lại sự ổn định cho miền này”.

(CNA, CNI 11-11-2024)