Công bố sứ điệp Đức Thánh cha về Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội Lần thứ 58
Hôm 24 tháng Giêng năm 2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Đức Thánh cha Phanxicô, nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội Lần thứ 58. Năm nay có chủ đề là: “Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của tâm hồn: tiến tới một nền truyền thông hoàn toàn nhân bản”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha nhắc đến những khía cạnh tích cực, những lợi ích mà sự phát triển Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence-AI) mang lại cho con người, đồng thời ngài cũng cảnh giác về những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với nhân loại khi chúng bị lạm dụng.
Đức Thánh cha viết: “Trong thời đại hiện nay có nguy cơ nhân loại được phong phú về kỹ thuật và nghèo về tình người, suy tư của chúng ta chỉ có thể khởi hành từ tâm hồn con người. Chỉ khi chúng ta có một cái nhìn tinh thần, phục hồi một sự khôn ngoan của tâm hồn, chúng ta mới có thể đọc và giải thích sự mới mẻ thời nay và tái khám phá con đường để có một sự truyền thông hoàn toàn nhân bản. Tâm hồn, hay trái tim, hiểu theo nghĩa Kinh thánh như trung tâm của tự do và những quyết định quan trọng nhất của cuộc sống, là biểu tượng sự toàn vẹn, hiệp nhất, nhưng cũng gợi lên những tình cảm, mong ước, giấc mơ và nhất là nơi nội tâm gặp gỡ với Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của con tim chính là đức tính giúp chúng ta cùng nhau dệt thành một tổng thể và các phần, những quyết định và các hậu quả, những điều cao cả và mong manh, quá khứ và tương lai, tôi và chúng ta”.
Cơ may và nguy hiểm
Đức Thánh cha cũng phân tích những cơ may và nguy hiểm mà Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho con người ngày nay: “Những hệ thống Trí tuệ nhân tạo có thể góp phần vào tiến trình giải thoát khỏi sự u mê và tạo điều kiện dễ dàng cho sự trao đổi thông tin giữa các dân tộc và các thế hệ khác nhau. Chúng có thể làm cho ta đạt tới và hiểu gia sản kiến thức vĩ đại được viết ra từ thời xa xưa hoặc giúp đả thông giữa những người thuộc các ngôn ngữ mà họ không biết. Nhưng đồng thời, trí tuệ nhân tạo cũng có thể là những dụng cụ làm ô nhiễm tri thức, làm tha hóa thực tại qua những tường thuật một chiều hoặc hoàn toàn sai, nhưng làm như thể là thực. Chỉ cần nghĩ đến sự thông tin bóp méo chúng ta đang gặp phải qua những tin giả, và ngày nay có những vụ kiến tạo và phổ biến những hình ảnh hoàn toàn giống như thật, nhưng thực ra có là những hình giả dối, hoặc những sứ điệp audio với tiếng nói của một người giống như thật, nói điều mà họ không bao giờ nói”.
Vì thế, Đức Thánh cha viết, “Cần hành động trước, phòng ngừa, đề nghị những kiểu mẫu quy luật luân lý đạo đức để ngăn chặn những biến thái tai hại và kỳ thị, bất công về xã hội, của những hệ thống “Trí tuệ nhân tạo” và để chống lại việc sử dụng chúng trong việc thu hẹp sự đa nguyên, thái cực hóa dư luận quần chúng hoặc trong việc kiến tạo một tư tưởng duy nhất”.
Và Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Tôi tái kêu gọi cộng đồng các dân nước hãy cùng nhau làm việc để chấp nhận một hiệp ước quốc tế, có tính chất bó buộc, điều hành việc phát triển và sử dụng Trí tuệ nhân tạo trong nhiều hình thức khác nhau”. Tuy nhiên, giống như trong mọi môi trường con người, việc lập ra những quy luật mà thôi vẫn chưa đủ”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cổ võ sự tăng trưởng trong tình người với nhau: “Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể làm cho chúng ta tự do hơn, nhưng sẽ không như vậy, nếu nó cầm hãm chúng ta trong những kiểu mẫu ngày nay được gọi là “echo chamber”, một môi trường trong đó một người chỉ gặp những tin tức hoặc những ý kiến phản ứng và củng cố lập trường hay tư tưởng của mình”. Trong những trường hợp như vậy, thay vì gia tăng sự đa nguyên trong thông tin, người ta có nguy cơ bị mất hút trong một đầm lầy vô danh, chỉ phục vụ cho những lợi lộc thị trường hoặc quyền bính. Điều không thể chấp nhận là việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo dẫn tới một tư tưởng vô danh, một sự ráp nối các dữ kiện không được chứng thực, hoặc đưa tới một thứ xã luận tập thể vô trách nhiệm” ...
(Rei 24-1-2024)