Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 23/10/2024: Nô lệ và tự do

Một tu sĩ nọ được mời đến dạy thiền cho các phạm nhân ở nhà tù. Vào cuối buổi học, một phạm nhân đến xin vị tu sĩ chia sẻ về đời sống hàng ngày của ông như thế nào. Vị tu sĩ chậm rãi nói: - Chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng. Nhiều lúc trời rất lạnh mà phòng của chúng tôi nhỏ và không có lò sưởi. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ ăn một bữa vào buổi sáng. Chúng tôi cũng không dùng tivi, máy radio hay âm nhạc. Chúng tôi không bao giờ xem phim, cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc chăm chỉ, dành thời gian ngồi thiền và quan sát hơi thở. Ban đêm chúng tôi ngủ trên sàn nhà.

Nghe vậy, phạm nhân nói: - Sống ở tu viện của thầy như thế thật khủng khiếp, chẳng khác gì sống trong tù. Vị tu sĩ đáp: - Đúng là tu viện tôi rất khắc khổ hơn cả nhà tù, nhưng nhiều người tự nguyện tìm đến vì cảm nhận được ở đây có tự do và hạnh phúc. Trong khi các phạm nhân thì luôn muốn thoát khỏi nhà tù. Tự do thực sự không bao giờ là tự do ham muốn, mà là tự do vì thoát khỏi ham muốn. (Theo Thiền sư Ajahn Brahm)

Quý vị và các bạn thân mến,

Tự do và nô lệ là hai tình trạng đối nghịch nhau. Thông thường người ta nghĩ tự do là hành động theo ý muốn của bản thân mà không bị ai cấm cản. Tự do chọn ngành nghề, sống theo phong cách riêng hay tự do kết thân với người mình yêu thích. Ngược lại, nô lệ là tình trạng thụ động, bị cấm cản, trói buộc bởi nguyên tắc luật lệ hay một con người. Theo cái nhìn của Kitô giáo, sự tự do là món quà cao quý Thiên Chúa ban, giúp con người thăng tiến phẩm giá và tăng trưởng trong sự thiện toàn. “Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hóa và kết hợp với Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc” (Gaudium et Spes,17).

 Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng cũng từng ấp ủ ước mơ đạt đến tự do hạnh phúc trường tồn. Anh đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chỉ cho một bí quyết. Chúa Giêsu khuyên anh tuân giữ các điều răn, bán tất cả của cải mà đi theo Chúa. Tiếc thay anh buồn rầu bỏ đi, vì anh không từ bỏ được của cải. Chính sự giàu có là một trở ngại lớn khiến anh không đi theo Chúa Giêsu được. Anh đã đánh mất tự do vì nô lệ cho của cải vật chất (x. Mc 10,17-22).

Theo Chúa là chấp nhận cuộc sống nghèo hèn khiêm nhường, là đi ngược chiều gió và có thể gặp những vật cản. Theo Chúa là chấp nhận cả những thập giá, ngược đãi và có khi thất bại thảm hại. Đường về Nước Trời là con đường hẹp và có nhiều gian nan thử thách. Chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định “con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). “Chỗ tựa đầu” ấy có thể là tiền bạc, danh vọng địa vị, sắc đẹp, tài năng, sự thành công được mọi người ca ngợi, sự thánh thiện được mọi người ngưỡng mộ. Đó là những thứ rào cản khiến đôi chân ta ngại ngùng tiến bước, tâm hồn ta sợ phải hy sinh mất mát.

Con người ta ai cũng yêu thích tự do và ghét sự nô lệ. Chúng ta mưu cầu một cuộc sống ổn định, an nhàn thoải mái trong những tiện nghi vật chất mà không thích kỷ luật bó buộc. Chúng ta dễ bị lôi cuốn vào sự hưởng thụ tầm thường của cá nhân, của những tham vọng ngông cuồng hẹp hòi ích kỷ. Chỉ khi nào chúng ta từ bỏ được cái tôi ích kỷ, biết đưa bàn tay giúp đỡ người xung quanh, sống có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với gia đình, với cộng đồng nhân loại; trong Đức Giêsu, hành vi yêu mến phục vụ dẫn chúng ta đến tự do đích thực, giúp ta thoát khỏi thói ích kỷ tự tôn mà trao hiến chính mình vì danh Thiên Chúa và anh chị em xung quanh. Chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh, chính lúc liều mất mạng sống thì sẽ được sự sống đời đời (x. Mc 8,35). Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do” (GLHTCG, 1733).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ địa vị làm Con Thiên Chúa để sinh xuống trần gian cứu chuộc nhân loại, xin cho chúng con biết từ bỏ con người ích kỷ mà mặc lấy tâm tình khiêm tốn, biết phục vụ với trọn lòng yêu mến, để chúng con được trở thành con cái Chúa, được tự do tận hưởng niềm hạnh phúc Nước Trời. Amen. 

Phương Anh