Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 05/02/2025: Thương cho roi cho vọt
Câu chuyện tuổi thơ của tác giả Đức Hiền “Tuổi thơ tôi cũng lớn lên từ không ít lằn roi của bố. Tôi cũng từng có những lần bị đánh đòn vì lêu lổng.
Bố tôi nghiêm, con cái dẫu lì lợm và ngỗ nghịch đến mấy, chỉ nghe ông quát một tiếng, anh em tôi đã không dám ho he. Thế nhưng, sau mỗi bữa cơm, bố thường ngồi chuyện trò với chúng tôi về chuyện học hành, chuyện cuộc sống, có thể cùng tranh luận khi bất đồng. Tóm lại, ông vừa dân chủ vừa gia trưởng.
Ông ít khi phạt roi nhưng luôn sẵn ngọn roi tre góc nhà. Có ba “tội” mà bố tôi không bao giờ tha là hỗn xược với người lớn, nói dối và trộm cắp. Một bận tôi nói đi học nhưng rồi đi chơi với bạn cả buổi, thầy giáo kể với ông. Sau đó, tôi bị ông cho một trận roi nhớ đời.
Mỗi lần phạt tội, sau ba roi đầu quắn đít, ông bảo: Đáng lẽ đánh 10 roi, nhưng còn bảy roi cho nợ. Lần sau hễ còn lười thì phạt 20 roi với bảy roi còn nợ lần này. Nhớ chưa?
Sau này đi học luật, đôi khi nhớ về những món nợ roi của bố, tôi bật cười: Bố không học luật ngày nào nhưng cách ông đánh đòn cũng như người ta định khung và tổng hợp hình phạt: Tái phạm bị phạt nặng và tổng hợp luôn cả cái án treo lần trước.
Thế nhưng chưa bao giờ bố đánh phạt những roi còn nợ.
Tôi lớn lên, đi xa, để lại sau lưng tuổi thơ, quê nhà với những lần trốn học mải chơi, những lần hái trộm ổi xanh hàng xóm, những ngọn roi phạt còn “nợ” bố.
Tôi lớn lên khi tóc mẹ ngày mỗi bạc, tay bố ngày mỗi run, chân chậm, mắt mờ. Những ngọn roi ngày thơ bé đã thành một phần ký ức, nhưng nó không khiến tôi chai lỳ cảm xúc. Nó khiến tôi chỉ thấy yêu thương, luôn cảm thấy bố dõi theo mình.
Tôi đi xa, có thành công, thất bại, có những lần vấp ngã và trả giá với đời. Tôi nhớ về những ngọn roi bố còn cho nợ ngày xưa.
Khi ấy, không có lằn roi nào mà tôi nghe lòng nhói hơn roi quất.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Ông bà ta thời xưa thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, cách dạy con cái theo lối xưa tuy không được xã hội ngày nay ủng hộ và thậm chí còn bị nhiều người lên án nhưng không thể phủ nhận nhiều người đã trưởng thành và thành công nhờ cách giáo dục răn đe nghiêm khắc này. Khi thành nhân và thành danh, nhớ lại những lằn roi của bố, mẹ chúng ta thầm biết ơn, vì nhờ nó mà chúng ta mới có ngày hôm nay. Chữ “voi rọt” không phải lúc nào cũng đánh, nhưng là thái độ nghiêm khắc trong cách dạy, những lằn roi nhằm răn đe giúp con cái chừa bỏ những lỗi phạm và tránh xa những thói hư tật xấu. Câu tục ngữ sử dụng hai từ ngữ đối lập nhau đó là “thương” và "ghét". Theo đó, khi thương thường răn đe, thẩm chí là đánh đòn nhưng đánh trong sự yêu thương ước muốn người mình thương yêu được tốt hơn và người được sửa dạy cũng cảm nhận mình được yêu thương, như tác giả của câu chuyện trên, mỗi khi nhớ lại những lằn roi nợ bố, anh có cảm giác đau nhói trong lòng hơn cả nỗi đau khi bị đánh đòn. Nỗi đau vì anh đã làm buồn lòng các đấng sinh thành những người mình yêu thương những người đã hy sinh cho mình. Vậy nên, thực tế cuộc sống cho thấy, những lời mật ngọt chưa hẳn là tốt, và những người luôn tỏ ra hằn học với chúng ta cũng chưa hẳn là người ghét ta. Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho chúng ta, ai mới là người đang yêu thương chúng ta thật sự.
Trong hành trình lữ hành đời sống đức tin nơi trần gian này, chúng ta cũng cần được Chúa yêu thương sửa dạy mỗi khi lầm lỗi, mỗi lần đam mê những thú vui của cải, tình dục, và danh vọng mà quên đi ân nghĩa của Thiên Chúa như trong thư gửi tín hữu Hipri có khuyên nhủ: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” Thiên Chúa mỗi ngày vẫn luôn yêu thương quan tâm dạy bảo chúng ta qua Lời Chúa được nghe trong sách Thánh, cũng như qua tiếng nói lương tâm và những người được Chúa trao trách nhiệm để hướng dẫn và dạy bảo chúng ta. Có khi Ngài cũng rất nghiêm khắc dùng biện pháp mạnh để chúng ta đau mà nhớ, nếu chúng ta bướng bỉnh, không nghe lời. Trong mọi biến cố và nghịch cảnh của cuộc đời chúng ta cần nhận ra tình thương, và cả sự dạy bảo nghiêm khắc của Chúa để chúng ta được ngày một trưởng thành hơn trong đời sống đức tin và thánh thiện hơn trong tương quan là con cái Chúa. Mặc lấy tâm tình của người con ngoan thảo chúng ta cần có thái độ khiêm tốn, kiên trì để được Chúa dạy bảo như tác giả thư Hipri khuyên: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.”
Thật vậy, có nhiều cách giáo dục, có cương có nhu, tùy theo tính cách và tùy từng hoàn cảnh nhưng khi được sửa dạy chẳng ai lấy làm vui thích. Tuy nhiên, khi được yêu và khi được quan tâm thì chúng ta mới được Thiên Chúa sửa dạy. Ước gì mỗi người chúng ta khiêm tốn mở lòng đón nhận sự sửa dạy của Chúa để trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Lạy Chúa, vì yêu thương Chúa quan tâm dạy bảo chúng con, nhưng đôi khi chúng con ngỗ nghịch không lắng nghe, không vâng lời Chúa dạy, còn trách móc khi bị dạy dỗ nghiêm khắc. Xin Chúa tha thứ và bỏ qua những thái độ bất kính của chúng con. Amen.
Bích Liễu