Thủ tướng Ấn Độ lặp lại lời mời Đức Thánh cha viếng thăm

Pope Francis greets Indian Prime Minister Narendra Modi at the Borgo Egnazia resort during the G7 Summit in Savelletri near Bari, Italy, on June 14. | Photo: AFP
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, cho biết trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh cha Phanxicô tại hội nghị của khối G7 vừa qua ở Ý, ông đã lập lại lời mời Đức Thánh cha đến thăm Ấn Độ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong thông tin chính thức, sau khi trở về lại Ấn Độ, Thủ tướng Modi, - mới tái cử nhiệm kỳ thứ ba, - kể rằng: “Tôi đã gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7. Tôi ngưỡng mộ sự dấn thân của ngài phục vụ con người và làm cho trái đất chúng ta tốt đẹp hơn. Tôi cũng đã mời ngài đến viếng thăm Ấn Độ”.

Thủ tướng Modi đã gặp Đức Thánh cha tại Vatican hồi năm 2021 và bây giờ gặp lại ngài nhân cuộc gặp gỡ với các lãnh tụ thế giới, được các cơ quan truyền thông hoàn vũ nói đến, và đã có âm vang lớn nơi các cơ quan truyền thông Ấn Độ và dư luận thế giới.

Báo chí và truyền hình Ấn Độ thuật lại diễn văn của Đức Giáo hoàng trước hội nghị thượng đỉnh G7, và nhấn mạnh lời mời gọi của ngài gửi đến các lãnh tụ các nước dân chủ và công nghệ cao nhất thế giới hãy giữ phẩm giá con người ở vị thế thứ nhất, trong việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo, một đề tài cũng đang đặt những câu hỏi lớn cho Ấn Độ.

Phản ứng

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và Thủ tướng Modi có những phản ứng trái ngược nhau: các vị lãnh đạo cộng đoàn Công giáo ở Ấn tỏ ra lạc quan và hy vọng rằng sau cuộc gặp gỡ đó, cơ may viếng thăm của Đức Thánh cha tại nước này sẽ gia tăng và đồng thời cũng hy vọng có ảnh hưởng tích cực trên quan hệ giữa Ấn Độ và Tòa Thánh.

Tuy nhiên, như tin tức của một số báo chí, một số lãnh tụ đảng Ấn giáo BJP (Bharatiya Janata Party) của Thủ tướng Modi, không hài lòng vì thủ tướng Modi bắt tay và thậm chí còn ôm chào thủ lãnh của Giáo hội Công giáo: tại 11 bang ở Ấn Độ, nơi đảng BJP đang cầm quyền, có những luật cấm cải đạo: người muốn theo đạo khác phải được tòa án cứu xét kỹ lưỡng và qua đó, tự do lương tâm của người dân bị vi phạm. Luật này chủ đích nhắm ngăn chặn các hoạt động của các tín hữu Kitô bị đảng BJP coi là những hoạt động “chiêu dụ tín đồ”.

Các lãnh tụ khác thuộc các đảng đối lập thì nhắc lại rằng Thủ tướng Narendra Modi mới đây đã lợi dụng các sự kiện tôn giáo, tự giới thiệu mình với các cử tri như một người “được Thượng Đế sai đến”, vì thế họ nghi ngờ sự chân thành của ông Modi, khi ôm chào Đức Giáo hoàng.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 17 tháng Sáu vừa qua, trích dẫn lời của cha Cedric Prakash, Dòng Tên Ấn Độ, một nhà phân tích và văn sĩ, nhận định rằng: “Cần phải hiểu và chứng tỏ bằng những sự kiện đó không phải là một sự ôm chào giả hình. Modi và đảng của ông, trong những năm cai quản đất nước đã làm cho thiểu số các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo ở Ấn phải chịu đau khổ nhiều. Cần chứng tỏ bằng những chính sách cụ thể rằng chính phủ tôn trọng hiến pháp và các nguyên tắc công dân đối với bất kỳ công dân nào, không phân biệt tín ngưỡng. Ngoài ra, lời mời miệng của Thủ tướng Modi nói với Đức Giáo hoàng, dĩ nhiên là tốt, và tất cả chúng ta có thể hãnh diện vì sự hiện diện của ngài, nhưng lời mời ấy cần được thực hiện bằng lời mời đích thực và chính thức: chúng tôi chờ đợi chính phủ sớm gửi lời mời đó đến Tòa Thánh, chứ không phải như hồi năm 2021. Nếu Đức Giáo hoàng đến Ấn Độ, chắc chắn là ngài có thể đưa ra ánh sáng tình cảnh của những người nghèo, những người dễ bị tổn thương và đau khổ nhất, các ngư phủ và nông dân, các thổ dân: sự hiện diện của ngài nơi chúng tôi sẽ là một phúc lành. Chúng tôi khuyên Thủ tướng Modi bây giờ thực hiện những bước tiến cụ thể và đích thực để mời Đức Giáo hoàng Phanxicô”.

(Fides 17-6-2024)