Hàng trăm tín hữu Kitô bị bắt tại bang Uttar Pradesh

Photo: FB/ Pastors' Association Uttar Pradesh

Trong ba năm qua, gần 400 tín hữu Kitô tại bang Uttar Pradesh bên Ấn Độ đã bị bắt giam do đạo luật cấm cải đạo.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hãng tin Công giáo Á châu, Ucanews, cho biết phần lớn những người bị bắt là các mục sư và thành viên của các nhóm Tin lành, tuy nhiên cũng có cha Babu Francis, là một linh mục Công giáo. Cha là giám đốc tổ chức bác ái “Caritas” của Giáo phận Allahabad và thuộc nhóm 50 Kitô hữu còn bị giam giữ, trong khi phần lớn những người khác được tự do tạm thời, sau khi đóng tiền thế chân.

Bang Uttar Pradesh, đông dân nhất tại Ấn Độ, với khoảng 200 triệu người và là một trong những bang có những luật nghiêm ngặt nhất, cấm điều gọi là cải đạo “vì bạo lực, chiêu dụ, lường gạt hoặc do kết hôn”. Một phần bang này do một đạo sĩ Ấn giáo cai trị, đó là ông Yogi Adityanath, thuộc đảng Quốc gia Ấn giáo BJP, cùng đảng với Thủ tướng Narendra Modi đang cai trị Liên bang Ấn Độ. Đa số dân tại Uttar Pradesh là tín đồ Ấn giáo và chỉ có 0,2% là tín hữu Kitô.

Các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Tin lành Ấn Độ phê bình đạo luật nghiêm ngặt cấm cải đạo, vì đây là một dụng cụ trong tay những người Ấn giáo cực đoan, “nhắm vào các tín hữu Kitô và để gài bẫy họ”. Tổng thư ký tổ chức Kitô, mang tên là “Hiệp nhất trong cảm thương” (Unity in Compassion), ông Minakshi Singh, nói rằng: “Những người của chúng tôi bị cầm tù vì những lời cáo buộc hoàn toàn giả tạo về những vụ cải đạo”. Tổ chức này có trụ sở ở thủ đô New Delhi và giúp đỡ các Kitô hữu nộp đơn xin trả tự do tạm.

Một nhà bênh vực nhân quyền Công giáo, ông A.C. Michael, nhấn mạnh rằng luật cấm cải đạo trái ngược với hiến pháp, khi quy định rằng “mỗi người, khi muốn thay đổi tôn giáo, vì phải xin giấy phép của các quan chức có thẩm quyền. Đây là điều hoàn toàn bất hợp pháp, vì tôn giáo là chuyện riêng của mỗi người”.

Trong số 28 bang ở Ấn Độ, có 12 bang ban hành luật cấm cải đạo trong những năm qua. Tối cao pháp viện Ấn tuyên bố rằng những luật này phù hợp với hiến pháp bao lâu nó không nhắm mục đích xâm phạm tự do tôn giáo của cá nhân. Vì vậy, chúng chỉ nhắm ngăn chặn sự cưỡng bách và lường gạt”.

(KNA 2-12-2023)

Tags