Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 17/07/2025: Lời hay ý thiện
Trong số những học trò của thầy Mặc Tử, có Tử Ly là một người hiếu học. Có lần Tử Ly hỏi thầy Mặc Tử: - Thưa thầy, theo thầy lời nói của con người có ý nghĩa như thế nào?
Thầy Mặc Tử trầm ngâm đáp: - Này con, hãy để ý mà xem, con ếch con nhái ở ngoài ruộng chúng kêu suốt đêm, khô cả cổ mà có ai để ý đâu. Còn con gà trống thường gáy vào sáng sớm, mọi người nghe thấy đều thức dậy. Nếu ta nói nhiều nhưng toàn là những lời vô nghĩa thì chẳng ai nghe. Nói ít nhưng có ý nghĩa thì khiến người khác phải chú ý nghe theo.
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong các loài thụ tạo Thiên Chúa dựng nên, chỉ con người là có ngôn ngữ để giao tiếp. Lời nói của con người không chỉ là âm thanh nhưng còn thể hiện suy nghĩ, tâm tư và ước muốn. Những lời nói chân thật tử tế đem đến cho người khác sự tin tưởng an bình. Trái lại những lời nói điêu ngoa giả dối thường dẫn tới sự xa cách và bất tín. Người ta cho rằng, con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm để học cách làm chủ lời nói. Lời nói cũng là con dao sắc. Một câu nói vô tâm có thể đâm vào lòng người như nhát kiếm chém vào thân thể. Thế gian này không thiếu những kẻ làm tổn thương nhau bằng lời nói. Đừng để miệng mình trở thành nơi gieo rắc oán hận. Cổ nhân ta có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Để trở thành con người có nhân cách, chắc chắn điều đầu tiên là phải học cách làm chủ lời nói cho khiêm tốn tử tế.
Bên cạnh đó, lời nói của chúng ta cần phải đi đôi với việc thực hành. Người nào chỉ nói hay, nói giỏi mà không thực hành đó là kiểu người Pharisêu và Biệt phái. Đức Giêsu khuyên chúng ta phải tránh lây nhiễm men Pharisêu và biệt phái. Họ thích khoe khoang sự hiểu biết của mình nhưng lại không thực hành theo giáo huấn của Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Khi nói điều này, Đức Giêsu đã nhắc lại lời sấm của ngôn sứ Isaia trách dân chúng chỉ thờ kính Thiên Chúa trên lý thuyết mà thiếu thực hành “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29,13).
Tác giả sách Huấn Ca giúp chúng ta cách thức trao cho người khác những lời nói chân thành “Con ơi, khi làm ơn, con đừng trách móc; khi tặng quà, chớ kèm theo những lời rầu rĩ. Hạt sương lại không giảm bớt cái nóng sao? Cũng vậy, lời nói còn quý hơn quà tặng. Này, lời nói lại không hơn món quà quý sao? Người giàu ân đức thì tặng cả hai. Kẻ ngu đần chửi thẳng vào mặt; quà tặng của con người tham lam làm rơi nước mắt” (Hc 18,15-18). Thánh Giacôbê tông đồ là người rất thực tế, ngài khuyên chúng ta phải kiềm chế miệng lưỡi.“Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Muốn làm chủ được lời nói, trước hết phải biết kiềm chế miệng lưỡi. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác”(Gc 3,2b.5-6a).
Lời nói thể hiện tâm tư của con người. “Lời nói như đọi máu, lời nói như gói vàng”. Lời nói đầy thiện ý như sức mạnh khiến người nghe phấn chấn, tăng thêm niềm tin. Khi nói những lời an ủi, chân thành yêu thương, chúng ta có thể hàn gắn những đổ vỡ, chữa lành tổn thương nơi tâm hồn người khác. Thánh Augustinô có kinh nghiệm về điều này, ngài đã chia sẻ “Bạn hãy dùng lời an ủi như dầu để băng bó vết thương cho người bị giập gãy”. Còn Mẹ Têrêsa Calcutta cảm nhận rằng “Những lời nói tử tế thường ngắn gọn nhưng âm vang của nó thực sự là vô tận”.
Lạy Chúa, xin uốn nắn lời nói chúng con luôn chân thành khiêm tốn, để góp phần kiến tạo hòa khí yêu thương với mọi người. Xin cho chúng con kiên trung xây dựng đời mình trên nền tảng Lời Chúa, để cuộc đời chúng con trở nên lời ngợi khen, lời yêu thương tha thứ. Amen.
Phương Anh
Trực tiếp
