Hai lễ tôn phong chân phước tại Albani và Đức

Trong những ngày cuối tuần, 16 và 17 tháng Mười Một này, có hai lễ tôn phong chân phước tử đạo, được cử hành tại hai quốc gia: Albani và Đức.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trước hết, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đại diện Đức Thánh cha chủ sự lễ phong chân phước, tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Scutari, ở miền bắc Albani cho hai linh mục Dòng Phanxicô, là cha Ludwik Palic và cha Jan Gazulli, chịu chết vì đức tin trong thập niên 1920, tại nước này.

Cha Ludwik Palic sinh ngày 20 tháng Bảy năm 1877, tại thành phố Janjevo, ngày nay là miền đông Kosovo và hồi đó ở dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, đa số dân theo Hồi giáo. Gia đình cha rất đạo đức và hai người anh của cha cũng là tu sĩ Dòng Phanxicô. Còn cha gia nhập dòng này năm lên 19 tuổi và thụ phong linh mục năm 1901, khi được 24 tuổi. Trở về quê hương, cha phục vụ trong giáo điểm truyền giáo của Dòng Phanxicô. Sáu năm sau, 1907, cha Palic trở thành bề trên tu viện ở Djakovanica, miền tây bắc Kosovo. Cha cũng giúp giáo xứ ở Pec gần đó. Thời ấy, vùng này bị quân Montenegro chiếm và liên minh với người Serbia, áp bức và bách hại dân Albani, cưỡng bách nhiều tín hữu Công giáo và Hồi giáo phải theo Chính thống giáo.

Cha Palic bênh vực các giáo dân của mình và cả những người Hồi giáo láng giềng, chống lại những hành động bạo lực và khuyến khích họ trung thành với tín ngưỡng của mình. Thái độ đó làm cho những kẻ chiếm đóng phẫn nộ. Họ bắt giam cha Palic vào năm 1913. Ba ngày sau khi bị tra hỏi, đánh đập, tra tấn, và không đợi cuộc xét xử bắt đầu, họ lột áo dòng của cha và bắn chết. Ngay thời đó, các tín hữu Công giáo ở Kosovo đã kính mến cha như một linh mục gương mẫu và tin tức về cuộc tử đạo của cha lan rộng.

Vị tử đạo thứ hai được tôn phong tại Scutari là cha Jan Grazulli, sinh năm 1893 tại miền tây bắc Albani. Sau khi bị gián đoạn việc học trong Chủng viện Scutari vì lý do sức khỏe, cha bình phục và tiếp tục con đường tiến tới chức linh mục và thụ phong vào năm 1919, khi được 26 tuổi. Cha phục vụ tại các giáo xứ ở quê hương rồi chuyển đi làm cha sở ở thành phố Koman. Cha được mọi người quý mến, không phải chỉ giáo dân nhưng cả những người không Công giáo, vì cha sẵn sàng giúp đỡ và khích lệ họ giữa những khó khăn.

Khi cha Grazulli thành lập một trường Công giáo để dạy cả giáo lý Công giáo cho các học sinh, cha bị nhà cầm quyền theo dõi sát và họ cáo buộc cha về tội cản trở hệ thống giáo dục chung cho cả các học sinh Công giáo lẫn Hồi giáo. Cha có ảnh hưởng lớn nơi dân chúng về luân lý và tôn giáo, điều này bị coi là làm suy yếu uy tín của những người cầm quyền.

Đó là thời kỳ Albani ở dưới sự cai trị của nhà độc tài Ahmed Zogu, ban đầu là tổng thống từ năm 1926 đến 1928, rồi làm vua Albani, cho đến năm 1939. Nhiều linh mục bỏ xứ ra đi vì những khó khăn, nhưng cha Grazulli vẫn ở tại nhiệm sở. Thái độ của cha, đầy yêu thương đối với những người láng giềng và nhưng cứng rắn đối với những bất công, khiến cho chính quyền bực tức và ngày 28 tháng Mười Hai năm 1926, cha bị bắt và điệu ra tòa. Sau một cuộc xử án ngụy tạo, dựa trên những lời cáo gian, cha Grazulli bị kết án treo cổ và bị hành quyết vào ngày 05 tháng Ba năm 1927, tại quảng trường chính ở thành phố Scutari. Trước khi chết, cha đã tha thứ cho những kẻ bách hại mình và công khai tuyên xưng lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội.

Chân phước Josef Metzger tại Đức

Tại miền Tây nam Đức, Chúa nhật, ngày 17 tháng Mười Một này, Đức Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ Đức, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, sẽ đại diện Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Tổng giáo phận Freiburg, để tôn phong chân phước cho cha Josef Metzger, bị Đức quốc xã sát hại, năm 1944.

Sau những năm học thần học, từ năm 1905 đến 1910, thầy Metzger kết thúc với bằng Tiến sĩ và thụ phong linh mục năm 1911. Sau vài năm làm việc mục vụ, khi Thế chiến thứ I bùng nổ năm 1914, cha Metzger làm tuyên úy quân đội, nhưng một năm sau bị bệnh nặng phải ngưng. Sau khi bình phục, năm 1915, cha sang thành phố Graz, bên Áo và trở thành Tổng thư ký Liên hiệp Thánh Giá. Hai năm sau, cha thành lập Liên hiệp hòa bình Thế giới Thánh Giá Trắng và soạn chương trình hòa bình tôn giáo quốc tế, rồi cha cũng thành lập Hội thừa sai Thánh Giá Trắng.

Cha Metzger được mời đi nhiều nơi để diễn thuyết trong các Hội nghị hòa bình: từ năm 1917 đến năm 1929, cha tham dự 14 Hội nghị trong tư cách là người hăng say bảo vệ hòa bình.

Các hoạt động bảo vệ hòa bình và chống chiến tranh do cha Metzger cổ võ khiến nhà cầm quyền Đức Quốc xã ở Đức tức giận. Tháng Mười Một năm 1939, tức là hai tháng sau khi Đức xâm lăng Ba Lan, làm cho Thế chiến thứ II bùng nổ, cha bị bắt giam và cầm tù ở thành phố Augsburg. Tháng Mười Hai sau đó, cha được trả tự do và đi Berlin, tiếp tục các hoạt động mục vụ. Cha cũng viết hai lá thư phê bình chế độ. Tháng Sáu năm 1943, cha Metzger lại bị bắt, lần này do sự tố cáo của một phụ nữ mà cha đã ủy thác bản giác thư về hòa bình và tương lai chính trị của Đức. Cha bị giam tại nhiều nhà tù ở thủ đô Berlin cho đến ngày 17 tháng Tư năm 1944 thì bị chém đầu tại nhà tù Brandenburg-Goerden, chiếu theo bản án ngày 14 tháng Mười năm 1943 trước đó.

(Ekai.pl 16-11-2024)

Statue von Max Josef Metzger | Vatican News
Tags