Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Hãy nguôi giận và làm hòa với nhau trước khi mặt trời lặn
Sáng thứ Tư, ngày 31 tháng Giêng năm 2024, đã có hơn 6.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, vào lúc 9 giờ sáng tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, các độc viên, gồm các nữ tu và giáo dân, đã đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4,26-27.31.32):
“Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng... Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”.
Bài huấn giáo
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ sáu này có tựa đề là: “Sự tức giận”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta dừng lại để suy tư về tật nổi giận. Đó là một thói xấu đặc biệt tối tăm, và đó là tật dễ nhận thấy nhất về mặt thể lý. Người bị tật này thống trị thì khó giấu được sự thúc đẩy này: bạn nhận thấy điều đó qua những chuyển động của cơ thể, qua sự hung hãn của người ấy, hơi thở khó khăn, cái nhìn cau có và dữ tợn của họ.
Những biểu hiện tức giận
Qua sự bộc lộ cấp tính nhất, giận dữ là một tật xấu không để ta yên hàn. Nếu nó nảy sinh từ một bất công đã chịu (hoặc nghĩ là như thế), thì thường nó không biểu lộ chống người có lỗi, nhưng chống lại người đầu tiên ở trong vòng ảnh hưởng của họ. Có những người nén cơn giận tại nơi làm việc, tỏ ra bình tĩnh và tự chủ, nhưng khi về nhà, họ trở nên không thể chịu nổi đối với vợ con. Giận dữ là một tật xấu lan tỏa: nó có thể làm mất ngủ và khiến chúng ta không ngừng âm mưu trong đầu mà không tìm được hàng rào nào ngăn cản những lý luận và suy nghĩ của mình.
Đó là một tật xấu phá hoại những tương quan giữa con người với nhau. Nó biểu lộ sự thiếu khả năng chấp nhận sự khác biệt của người khác, đặc biệt khi những chọn lựa của họ khác với những chọn lựa của chúng ta. Nó không dừng lại ở những cư xử sai trái của một người, nhưng ném tất cả vào trong một chảo: chính người khác, người khác như thế, đã gây ra sự giận dữ và căm tức. Chúng ta bắt đầu ghét giọng nói, những cử chỉ tầm thường, cách thức lý luận và cảm nhận của họ.
Khi tương quan đi tới mức độ thoái hóa như thế, thì người ta không còn sáng suốt. Vì một trong những đặc tính của giận dữ, đó là nhiều khi nó không nguôi ngoai với thời gian. Trong những trường hợp ấy, cả sự xa cách và thinh lặng, thay vì giảm bớt gánh nặng của những hiểu lầm, thì lại càng làm cho chúng lớn hơn. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô tông đồ - như chúng ta vừa nghe - khuyên các Kitô hữu của ngài hãy xử lý ngay vấn đề và cố gắng hòa giải: “Đừng để mặt trời lặn mà vẫn còn giận” (Ep 4,26). Điều quan trọng là tất cả được giải tỏa ngay, trước khi mặt trời lặn. Trong ngày có thể xảy ra một vài hiểu lầm và hai người có thể không hiểu nhau nữa, đột nhiên cảm thấy xa cách nhau, nhưng không nên giao ban đêm cho ma quỷ. Tật xấu sẽ làm cho chúng ta tỉnh táo trong tăm tối, nghiền ngẫm những lý lẽ và lầm lỗi không thể diễn tả được và không bao giờ là của chúng ta nhưng luôn luôn là của người khác.
Học tha thứ và sống chung
Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu cho tương quan của chúng ta với nhau: nó là một phần đất có nhiều cạm bẫy: một kế hoạch không bao giờ ở trong tình thế hoàn toàn quân bình. Trong cuộc sống, chúng ta phải đối phó với những người không trả nợ cho chúng ta; cũng như chắc chắn là cả chúng ta không phải lúc nào cũng yêu thương mọi người ở mức độ đúng. Chúng ta đã không đáp trả đúng mức tình thương của một người đáng được. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi với những thiếu sót, và vì thế tất cả chúng ta cần học tha thứ. Con người không thể ở với nhau nếu không thực hành nghệ thuật tha thứ, hết sức theo mức độ có thể của con người. Điều trái ngược với giận dữ là từ nhân, có tâm hồn quảng đại, dịu dàng, kiên nhẫn.
Tai hại của sự nổi giận
Nhưng về vấn đề giận dữ, cần nói một điều cuối này. Đó là một tật xấu kinh khủng, người ta nói nó là nguồn gốc của chiến tranh và bạo lực. Thơ của Iliade mô tả “cơn giận của Achille” là nguyên nhân vô số nhưng tang tóc. Nhưng không phải tất cả những gì nảy sinh từ giận dữ đều là sai lầm. Người xưa đã biết rõ rằng trong chúng ta có một phần giận dữ không thể và không được phủ nhận. Đó là những tình cảm vô thức một cách nào đó: chúng xảy ra, là những kinh nghiệm cuộc sống. Chúng ta không chịu trách nhiệm về sự tức giận khi nó bộc phát, nhưng ta luôn có trách nhiệm trong sự phát triển của nó. Đôi lần, điều tốt là cơn giận được bộc lộ đúng đắn. Nếu một người không bao giờ giận, không thịnh nộ trước một bất công, nếu đứng trước sự áp bức một người yếu thế mà không cảm thấy rúng động trong lòng, thì phải nói đó không phải là điều hợp với con người, và càng không phải là tinh thần Kitô.
Có một sự thịnh nộ thánh. Chúa Giêsu đã biết điều đó nhiều lần trong đời (Xc Mc 3,5): Ngài không bao giờ lấy ác báo ác, nhưng trong tâm hồn Ngài cảm thấy tâm tình ấy và trong vụ những người buôn bán ở Đền thờ, Chúa đã thực hiện một hành động mạnh mẽ và có tinh thần ngôn sứ, không phải vì giận dữ, nhưng vì lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa (Xc Mt 21,12-13).
Vậy chúng ta, với ơn phù trợ của Thánh Linh, có trách nhiệm tìm ra một mức độ đúng đắn cho các cảm xúc, đam mê. Giáo dục chúng để hướng thiện.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các học sinh đến từ nhiều trường ở nước này và nói thêm rằng: “Anh chị em, chúng ta hãy học cách thực hành nghệ thuật hòa giải và tha thứ, để vượt thắng tật giận dữ và mở ra những con đường an bình trong các tương quan hằng ngày của chúng ta”.
Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng “Hôm nay là Ngày Toàn quốc các nạn nhân dân sự của các cuộc chiến tranh”. Khi nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã chết trong hai thế chiến, chúng ta cũng hãy cầu cho biết bao nhiêu thường dân vô tội, nạn nhân của các chiến tranh, rất tiếc chúng đang còn làm cho trái đất chúng ta nhuốm máu, như đang xảy ra tại Trung Đông và Ucraina. Ước gì tiếng kêu đau thương của họ đánh động tâm hồn các vị hữu trách các quốc gia và khơi lên những dự phóng hòa bình.”
Khi chào các nhóm nói tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các linh mục đang tham dự khóa huấn luyện tại Đại học Thánh Giá ở Roma, các tín hữu thuộc các giáo xứ và các hội đoàn. Đức Thánh cha nói thêm: “Sau hết, tôi nghĩ đến những người trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn. Tôi cầu xin thánh Gioan Bosco bảo vệ anh chị em, thánh nhân là vị Giáo hội kính nhớ hôm nay, xin thánh nhân làm cho ơn goi của mỗi người trong Giáo hội và thế giới được phong phú”.