Sứ điệp Đức Thánh cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh Paris về Trí tuệ nhân tạo

French President Emmanuel Macron at Artificial Intelligence (AI) Action Summit in Paris | ANSA
Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi bảo tồn sự kiểm soát của con người trên Trí tuệ nhân tạo và ngài đề cao vai trò ưu tiên và quan trọng của “cái tâm con người” trong cuộc sống, cũng như không loại trừ người nghèo ra khỏi các lãnh vực áp dụng Trí tuệ nhân tạo.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong Sứ điệp gửi Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, các nhân vật quan trọng và hàng ngàn chuyên gia quốc tế, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ nhân tạo, tiến hành tại Paris, trong hai ngày 10 và 11 tháng Hai năm 2025 này.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhắc lại rằng trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh của Khối bảy cường quốc, gọi là G-7, ở miền Puglia, nam Ý, hồi tháng Sáu năm ngoái (2024), ngài đã nhấn mạnh “cần cấp thiết đảm bảo và bảo tồn không gian cho sự kiểm soát thích đáng của con người trên những chọn lựa do các chương trình Trí tuệ nhân tạo đề ra”. Lý do vì ngài xác tín rằng: “nếu thiếu sự kiểm soát ấy, thì Trí tuệ nhân tạo, tuy là một phương tiện mới mẻ hiệu năng, nhưng nó có thể chứng tỏ khía cạnh ‘đáng sợ’ của nó, khi áp đặt một đe dọa trên phẩm giá con người” (Diễn văn 14/6/2024).

“Vì thế - Đức Thánh cha viết - tôi đánh giá cao những cố gắng đang thực hiện để can đảm và quyết tâm dấn thân vào một tiến trình chính trị nhắm bảo vệ nhân loại, đừng sử dụng Trí tuệ nhân tạo để có thể giới hạn vũ trụ quan của chúng ta vào những thực tại có thể diễn tả trong những con số và đóng khung trong một số phạm trù nhất định, và vì thế, loại trừ sự đóng góp của những hình thức chân lý khác, áp đặt các mô hình nhân học, xã hội kinh tế và văn hóa” (ibid.).

Đức Thánh cha cũng nhắc đến thông điệp Dilexit Nos ngài mới công bố năm ngoái, trong đó Đức Thánh cha phân biệt hoạt động của thuật toán (algorithms), với sức mạnh của con tim, và qua đó, ngài muốn nhấn mạnh rằng trong khi thuật toán có thể được dùng để lèo lái và đánh lạc hướng, thì con tim, hiểu như nơi chứa đựng những tình cảm sâu sắc và chân thực nhất của chúng ta, không bao giờ có thể lừa dối (Xc Dilexit Nos, 24/10/2024, 14-20).

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha viết: “Tôi cũng xin tất cả các tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh Paris này đừng quên rằng chỉ có tâm hồn con người mới có thể tỏ lộ ý nghĩa cuộc sống” (Xc Pascal, Pensées, Lafuma 418; Sellier 680) ...

“Tôi tin rằng Trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ đắc lực trong tay các nhà khoa học và các chuyên gia, cộng tác vào việc tìm kiếm những giải pháp mới mẻ và sáng tạo để thăng tiến sinh thái của trái đất, căn nhà chung của chúng ta, đồng thời không coi nhẹ sự tiêu thụ năng lượng cao độ gắn liền với hoạt động của các cơ cấu hạ tầng của Trí tuệ nhân tạo”.

Sau cùng, Đức Thánh cha kêu gọi trong các cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo cần để ý đến tiếng nói tất cả những thành phần liên hệ, kể cả những người nghèo, người yếu thế và những người khác, thường không được lắng nghe trong các tiến trình quyết định trên thế giới này, như ngài đã nhận xét trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới, mùng 01 tháng Giêng năm 2024, số 8...

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha tin tưởng rằng Hội nghị Thượng đỉnh tại Paris này tạo nên một diễn đàn công cộng về Trí tuệ nhân tạo, trong đó mỗi quốc gia có thể tìm thấy nơi trí tuệ nhân tạo một công cụ giúp phát triển và chiến đấu chống nghèo đói, nhưng đồng thời cũng bảo vệ các nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương”.

(Sala Stampa 11-2-2025)