Đức Thánh cha viếng thăm thành phố cảng Trieste
Sáng Chúa nhật, ngày 07 tháng Bảy năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tạm ngưng những ngày nghỉ hè, bay đến thành phố cảng Trieste, ở mạn đông bắc Ý, cách Roma 700 cây số, để bế mạc Tuần lễ xã hội thứ 50 của Giáo hội Công giáo Ý, gặp gỡ những người di dân, tị nạn, người khuyết tật, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tuần lễ này, giống như một đại hội, tiến hành từ chiều ngày 03 tháng Bảy vừa qua, về chủ đề: “Nơi trọng tâm của dân chủ - sự tham gia giữa lịch sử và tương lai”, với sự tham dự của 1.200 đại biểu của 200 giáo phận, các phong trào và hội đoàn ở Ý. Ngoài ra, cũng có một loạt các sinh hoạt xã hội và văn hóa. Bên cạnh các buổi thuyết trình chính về các đề tài liên quan đến dân chủ, còn có một loạt các buổi hội luận, cả các sinh hoạt văn nghệ vào ban tối.
Tuần lễ xã hội đã được Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, và Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna, khai mạc chiều thứ Tư, ngày 03 tháng Bảy vừa qua. Trong dịp này, Đức Hồng y đã nêu rõ: “Các tín hữu Công giáo Ý muốn trở thành những người giữ vai chính trong việc xây dựng một nền dân chủ bao gồm, trong đó không ai bị gạt ra ngoài hoặc bị bỏ lại đằng sau”.
Rời Vatican từ sáng sớm, Đức Thánh cha đã đáp trực thăng đến Trieste, lúc 8 giờ và ngài tới Trung tâm hội nghị để đọc diễn văn kết thúc, trước các đại biểu.
Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng sự dửng dưng là một căn bệnh ung thư của dân chủ và đối lại, ngài mời gọi tham gia, một hành động cần được huấn luyện trong tinh thần liên đới và phụ đới, vì tình huynh đệ làm tươi mới những mối tương quan. Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha cũng bày tỏ quan tâm vì tình trạng nhiều người không tham gia bầu cử. Cần kiến tạo những điều kiện để tất cả mọi người có thể biểu lộ và tham gia.
Sau bài diễn văn kết thúc hội nghị, trong khi mọi người di chuyển đến địa điểm cử hành thánh lễ, Đức Thánh cha còn gặp gỡ khoảng 150 người, gồm những người di dân, người khuyết tật.
Thánh lễ
Lúc quá 10 giờ, Đức Thánh cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thống Nhất, ở trung tâm thành phố Trieste, trước sự hiện diện của hơn 10.000 tín hữu, trong đó cũng có phái đoàn tín hữu từ hai nước láng giềng, là Áo và Cộng hòa Slovenia lân cận.
Đồng tế với Đức Thánh cha trong thánh lễ, có khoảng 100 giám mục và 260 linh mục. Ngoài ra, hiện diện trong thánh lễ cũng có các giám mục và linh mục của các Giáo hội Chính thống Serbia, Chính thống Hy Lạp và các mục sư Tin lành Luther.
Bài giảng
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy sống niềm tin chân thực, năng động, được biểu lộ qua những dấn thân bác ái hằng ngày. Ngài nói: “Chúng ta cần có một đức tin ăn rễ trong Thiên Chúa làm người, và vì thế, một đức tin nhân bản, một đức tin bằng xương bằng thịt, đi vào trong lịch sử, yêu thương cuộc sống của dân chúng, chữa lành những con tim tan vỡ, trở thành men hy vọng và mầm mống một thế giới mới. Đó là một đức tin thức tỉnh lương tâm khỏi tình trạng ngái ngủ, dí ngón tay vào những vết thương của xã hội, khơi lên những câu hỏi về tương lai con người và lịch sử; đó là một đức tin gây thao thức, giúp chúng ta vượt thắng sự tầm thường và sự lười biếng của tâm hồn, trở thành một cái gai trong thân thể của một xã hội thường bị gây mê và choáng váng vì chủ nghĩa tiêu thụ. Đặc biệt, đó là một đức tin loại bỏ mọi tính toán ích kỷ của con người, tố giác sự ác, chống những bất công, làm đảo lộn những mưu đồ của người dưới bóng của quyền lực, đùa giỡn trên thân phận của những người yếu thế”.
Đức Thánh cha nhắc đến một thi sĩ ở thành phố này, mỗi khi trở về nhà vào ban tối, thường đi qua một con đường có phần tối tăm, nơi có sự sa đọa, tại đó, con người và hàng hóa ở cảng là những đồ phế thải của nhân loại, nhưng thi sĩ ấy viết: “Chính tại đây, khi bước qua, tôi tìm lại được điều vô biên của khiêm hạ”, vì người gái điếm và thủy thủ, người phụ nữ đang cãi vã, và chàng lính…., “tất cả đều là những thụ tạo của cuộc sống và đau khổ. Chúa hành động trong đó, cũng như trong tôi” (U. Saba, Città vecchia, in “Il canzoniere” (1900-1954), Ed. definitiva, Torino, Einaudi, 1961).
Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ẩn náu trong những góc tối tăm của cuộc sống và trong các thành thị của chúng ta; sự hiện diện của Chúa được tỏ lộ chính nơi những khuôn mặt có những vết hằn lên vì đau khổ và nơi mà dường như sự suy thoái hiển thắng. Sự vô biên của Thiên Chúa ẩn nấp trong lầm than của con người. Chúa tác động và tỏ lộ sự hiện diện thân hữu chính trong thân thể bị thương tổn của những người rốt cùng, những người bị lãng quên và gạt ra ngoài lề. Và chúng ta, đôi khi chúng ta lấy làm gương mù vô ích vì bao nhiêu những chuyện lặt vặt, nhưng tốt hơn chúng ta hãy tự hỏi: tại sao đứng trước sự ác lan tràn, trước cuộc sống bị hạ nhục, những vấn đề của công việc, đau khổ của những người di cư, chúng ta không cảm thấy bức xúc? Tại sao chúng ta lãnh đạm và dửng dưng trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không quan tâm đến tình trạng các tù nhân, cả từ thành phố Trieste này cũng đang gióng lên như một tiếng kêu lo âu?”
Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Cả chúng ta cũng được kêu gọi trở thành những ngôn sứ và chứng nhân về Nước Trời, trong mọi hoàn cảnh chúng ta sinh sống, trong mỗi nơi chúng ta cư ngụ”.
“Từ thành phố Trieste này, hướng ra Âu châu, ngã tư của các dân tộc và văn hóa, miền đất biên giới, chúng ta hãy nuôi dưỡng ước mơ một nền văn minh mới, được xây dựng trên hòa bình và tình huynh đệ; chúng ta đừng coi Chúa Giêsu là cớ vấp phạm, nhưng hãy phẫn nộ trước tất cả những tình trạng, trong đó cuộc sống bị hành hạ, bị thương tổn và bị sát hại, với những chọn lựa trước khi bằng những lời nói. Và tôi muốn nói với Giáo phận Trieste rằng: hãy tiến bước, hãy tiếp tục dấn thân tiên phong để loan báo Tin mừng hy vọng, đặc biệt đối với những người đến đây từ lộ trình Balkan và đối với tất cả những người đang cần được khích lệ và an ủi trong thân xác và tinh thần. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân: vì khi tái khám phá chúng ta được Chúa Cha yêu thương, tất cả chúng ta có thể sống với nhau như anh chị em”.
Kinh truyền tin
Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha còn ngỏ lời cám ơn Đức giám mục sở tại, vì đã chuẩn bị cuộc viếng thăm của ngài tại đây và tất cả những người đã cộng tác với Đức cha, đặc biệt về phụng vụ và các dịch vụ khác.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “Trieste là một trong những thành phố có ơn gọi gặp gỡ những người khác nhau, nhất là vì là một hải cảng, một cảng quan trọng, vì đây là ngã tư giữa Ý, Trung Âu và vùng Balkan. Trong những tình trạng này, thách đố đối với cộng đoàn Giáo hội và dân sự là biết liên kết sự cởi mở với ổn định, đón tiếp và căn tính. Và tôi nói rằng anh chị em có đủ điều kiện để đương đầu với thách đố này. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta có Tin mừng, mang lại ý nghĩa và hy vọng cho đời sống chúng ta; và như những công dân, chúng ta có hiến pháp, là chỉ nam đáng tin cậy để tiến đi trên con đường dân chủ”.
Sau cùng, Đức Thánh cha không quên mời gọi cầu nguyện cho hòa bình: cho Ucraina đau thương, Palestine và Israel, Sudan, Myanmar và nhiều dân tộc khác đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta hãy khẩn xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ được tôn kính trên núi Grisa, như là Mẹ và Nữ Hoàng.
Sau thánh lễ, lúc quá 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã đáp trực thăng trở về Vatican, vào khoảng 14 giờ, kết thúc chuyến viếng thăm tại thành phố cảng Trieste.