Đức Thánh cha kêu gọi hòa bình cho Sudan

Trong khi dư luận thế giới đổ dồn sự chú ý vào chiến tranh giữa Israel-Palestine và Ucraina, Đức Thánh cha Phanxicô không quên kêu gọi cộng đồng thế giới giúp chấm dứt nội chiến từ bảy tháng qua tại Sudan bên Phi châu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 12 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh cha nói với 20.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô rằng:

“Từ nhiều tháng nay, Sudan đang làm mồi cho một cuộc nội chiến, chưa có dấu hiệu chấm dứt và đang gây ra nhiều nạn nhân, hàng triệu người di tản nội địa và tị nạn sang các nước láng giềng, cùng với một tình trạng nhân đạo rất trầm trọng. Tôi gần gũi với những đau khổ của dân chúng yêu quý của Sudan và tôi ngỏ lời tha thiết kêu gọi các vị trách nhiệm địa phương, để họ tạo điều kiện dễ dàng cho việc đưa các đồ cứu trợ nhân đạo tới, và kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm những giải pháp hòa bình. Chúng ta đừng quên các anh chị em ấy của chúng ta đang ở trong thử thách!”

Trong cuộc nội chiến này, Tòa Sứ thần Tòa Thánh, Tòa Tổng giám mục bị chiếm đóng và cướp bóc, thủ đô Khartoum trở thành nơi vô pháp luật. Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Vida Nueva, Đời sống mới, truyền đi ngày 11 tháng Sáu năm nay, từ Thủ đô Madrid, Đức Tổng giám mục Luís Miguel Muñoz Cárdaba, người Tây Ban Nha, Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan và Eritrea, cho biết tình hình bi thảm tại Sudan, từ khi bùng nổ cuộc xung đột tại nước này, từ ngày 15 tháng Tư. Ngài nói: “Hiện nay, đây không phải là cuộc nội chiến về dân sự, tôn giáo hoặc bộ tộc, nhưng là một cuộc xung đột giữa hai nhóm quân sự rất mạnh, và bị kẹt ở giữa là dân chúng. Một bên là quân đội chính quy do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo. Ông là Tổng thống trong thực tế, sau cuộc đảo chánh hồi năm 2019, và bên kia là các lực lượng bán quân sự triển khai nhanh, do tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy.

Theo Đức Sứ thần, hơn một triệu rưỡi dân chúng đã phải di tản khỏi thủ đô. Ngoài ra, có hơn 200.000 người đã tị nạn ra nước ngoài. Dân chúng tiếp tục lo sợ, không những vì các cuộc dội bom và đạn lạc, pháo kích, nhưng tại thủ đô Khartoum còn xảy ra những vụ cướp phá, ăn trộm, hôi của, đó là một thành phố không còn luật pháp. Nhiều đại sứ quán, trong đó có Tòa Sứ thần Tòa Thánh, bị chiếm đóng và có thể bị cướp phá, như đã xảy ra cho các đại học, gia cư, nhà thờ và cả nhà nhờ chính tòa. Họ đã chiếm Tòa Tổng giám mục và cướp đoạt tiền của giáo phận, một số tiền tương đối ít của giáo phận cũng biến mất”.

Trước chiến tranh, Sudan đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới: một phần ba dân chúng tại đây bị đói, nạn cúp điện là điều xảy ra thường xuyên và hệ thống y tế hầu như bị sụp đổ.

(Tổng hợp 12-11-2023)

Tags