Đức Thánh cha cải tổ Trường ngoại giao Tòa Thánh

Hôm 15 tháng Tư vừa qua, Phòng Báo chí đã công bố thủ bút của Đức Thánh cha Phanxicô, ký ngày 25 tháng Ba vừa qua để cải tổ quy chế Trường ngoại giao Tòa Thánh, hầu thích ứng cơ cấu đã có từ 300 năm nay của trường này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Thủ bút mang tựa đề Il Ministero petrino, Thừa tác vụ Phêrô, và được Đức Thánh cha phê chuẩn, “với hình thức đặc biệt”, quy định rằng các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh sẽ được đào tạo một cách hợp thời hơn. Đặc biệt, văn kiện quy định rằng Trường ngoại giao Tòa Thánh sẽ được cải tổ thành một Học viện, tương tự như một Phân khoa đại học, có thể cấp các học vị Cao học và Tiến sĩ về các ngành luật khoa, lịch sử, chính trị học, kinh tế và các sinh ngữ khác nhau.
Đức Thánh cha cũng quyết định Trường ngoại giao Tòa Thánh được đặt dưới quyền tài phán và theo cơ cấu của Phủ Quốc vụ khanh.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, nói rằng: “Cuộc cải tổ này không phải chỉ là một cuộc cập nhật về học thuật. Điều quan trọng đối với Đức Giáo hoàng là nhấn mạnh rằng nguyên việc thủ đắc các kiến thức chuyên môn thì không đủ. “Các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh phải phát triển một lối sống và cách làm việc, theo luân lý đạo đức, giúp họ có thể hiểu sâu rộng những tương quan quốc tế phức tạp và hành động như những chứng nhân đáng tin cậy của Tin mừng”.
Văn kiện cũng khẳng định rằng các nhà ngoại giao Vatican, đã được giáo dục trước đó về thần học, phải “được chuẩn bị thích hợp để thi hành sứ vụ phù hợp với những đòi hỏi của thời đại”. Điều này không những đòi hỏi một nền giáo dục cao về học thuật và khoa học, nhưng còn “đảm bảo cho các hoạt động của họ là những hoạt động của Giáo hội, có thể đáp ứng thực tại thế giới chúng ta ngày nay”.
“Đặc biệt, trong thời đại có những thay đổi liên tục về khoa học và kỹ thuật, các nhà ngoại giao phải cố gắng trường kỳ để đạt tới một nền giáo dục vững chắc và liên lỷ”. Không thể chỉ giới hạn vào việc thủ đắc những kiến thức lý thuyết, nhưng đúng hơn cần phát triển một lối làm việc và lối sống giúp hiểu rõ các năng động trong các mối quan hệ quốc tế và được nhìn nhận trong việc giải thích những mục tiêu và những khó khăn mà một Giáo hội ngày càng đồng hành, phải đương đầu. Trong bối cảnh đó, các phẩm tính cũng như khả năng gần gũi, quan tâm lắng nghe, làm chứng, tình huynh đệ và đối thoại, chính là những điều cơ bản.
Hiện nay, Trường ngoại giao Tòa Thánh có khoảng 32 linh mục sinh viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Để gia nhập trường này phải là linh mục giáo phận, dưới 30 tuổi, và có ít là bằng Cao học giáo luật, và khi tốt nghiệp phải có ít là một học vị Tiến sĩ, hai sinh ngữ không kể tiếng Ý.
Đức Thánh cha Phanxicô đã đòi các linh mục sinh viên phải thêm một năm kinh nghiệm ở các xứ truyền giáo.
(KAP 15-4-2025)
Trực tiếp
