Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Đức tin xua đuổi sợ hãi, sự phục sinh của Chúa Kitô xóa bỏ sầu muộn

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 07 tháng Hai năm 2024, đã có gần 6.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, vào lúc 9 giờ sáng tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt cũng có hơn 20 giám mục Ý, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô-Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngoài ra, cũng có đông đảo các đôi tân hôn, được sắp xếp ngồi ở hàng ghế đầu tiên.

Mở đầu, mọi người đã nghe đọc một đoạn thánh vịnh thứ 12 (12,2.3.6) bằng nhiều thứ tiếng.

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ bảy này có tựa đề là: “sự buồn sầu” như một căn bệnh của tâm hồn, một dấu chỉ thiếu hy vọng và vì thế cần phải bài trừ.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về các tật xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta dừng lại về một tật rất xấu, đó là sự sầu muộn, hiểu như một tâm hồn chán nản, một nỗi đau khổ thường xuyên ngăn cản con người cảm thấy niềm vui về cuộc sống của mình”.

Hai thứ buồn sầu

Trước hết, cần nhận xét rằng về nỗi buồn, các thánh tu hành xưa kia đã đưa ra một phân biệt quan trọng. Thực vậy, có một sự buồn sầu thích hợp với đời sống Kitô, với ơn Chúa, được biến thành niềm vui: sự buồn sầu ấy dĩ nhiên là không nên loại bỏ và nó thuộc về con đường hoán cải. Nhưng cũng có sự buồn sầu thứ hai, “nó len lỏi vào trong tâm hồn và làm cho tâm hồn sa vào tình trạng xuống tinh thần: thứ buồn sầu thứ hai này ta cần phải quyết liệt bài trừ, vì nó đến từ ma quỷ. Sự phân biệt này chúng ta cũng thấy nơi thánh Phaolô, ngài đã viết cho các tín hữu Côrintô như sau: “Sự buồn sầu theo Thiên Chúa tạo nên một sự thống hối không thể hồi lại, đưa tới ơn cứu độ, trong khi sự buồn sầu của thế gian tạo nên sự chết” (2 Cr 7,10).

Vì thế, có một sự buồn sầu là bạn chúng ta, đưa chúng ta đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy nghĩ đến người con hoang đàng trong dụ ngôn: khi anh ta lâm vào tình trạng cùng cực thì cảm thấy rất cay đắng và điều này thúc đẩy anh ta hồi tâm, quyết định trở về nhà cha (Xc Lc 15,11-20). Một ơn thánh, đó là than khóc về tội lỗi của mình, nhớ lại tình trạng ơn thánh mà chúng ta đánh mất, khóc lóc vì chúng ta đã đánh mất sự tinh khiết mà Chúa mơ ước cho chúng ta.

Nhưng có một sự buồn sầu thứ hai, là một căn bệnh của tâm hồn. Nó nảy sinh trong tâm hồn con người khi ước muốn hay một hy vọng tiêu tán. Ở đây, chúng ta có thể tham chiếu trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus. Hai môn đệ ấy đi từ Jerusalem với tâm hồn thất vọng, và họ tâm sự với người lạ cùng đi với họ: “Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát Israel” (Lc 24,21). Năng động của buồn sầu gắn liền với kinh nghiệm về sự mất mát. Trong tâm hồn con người nảy sinh những hy vọng nhiều khi bị thất vọng. Có thể đó là ước muốn chiếm đoạt một cái gì đó mà ta không thể đạt được; nhưng cũng có thể là một cái gì quan trọng, như một sự đánh mất tình cảm. Khi điều này xảy ra, như thể tâm hồn con người rơi vào một vực thẳm, và những tâm tình họ cảm thấy là nản chí, suy nhược tinh thần, trầm cảm, lo lắng. Tất cả chúng ta trải qua những thử thách làm nảy sinh trong chúng ta buồn rầu, vì cuộc sống làm cho chúng ta mơ ước, nhưng rồi chúng bị tan biến. Trong tình trạng ấy, con người, sau một thời gian bị xáo trộn, tín thác vào hy vọng, nhưng có những người khác, bị sa lầy trong tư lự, để cho nó gặm nhấm con tim. Ta có cảm thấy hài lòng trong điều đó không? Anh chị em hãy xem; buồn sầu giống như hài lòng vì sự không hài lòng, như dùng một viên kẹo cay đắng, không có đường, dở mà cứ mút kẹo ấy. Buồn sầu là hài lòng về sự không hài lòng.

Đan sĩ Avagrio kể lại rằng tất cả các tật xấu nhắm một điều thích thú, dù chúng là phù du chóng qua thế nào đi nữa, trong khi sự sầu muộn vui hưởng điều ngược lại: đó là bị ru ngủ trong một nỗi đau vô tận. Một số tang chế kéo dài, trong đó một người tiếp tục nới rộng sự trống vắng, vì một người không còn nữa, tình trạng như thế không phải là những đặc tính của cuộc sống trong Thánh Linh. Một số điều cay đắng oán hận, làm cho một người luôn giữ trong tâm trí một yêu sách, khiến họ ra vẻ là nạn nhân, không tạo nên một cuộc sống lành mạnh, và càng không hợp với tinh thần Kitô giáo. Có một cái gì trong quá khứ của tất cả mọi người cần được chữa lành. Sự sầu muộn, từ một cảm xúc tự nhiên, có thể biến thành một tâm trạng xấu xa.

Đó là một thứ quỷ tinh quái, quỷ sầu muộn. Các thánh tu hành trong sa mạc xưa kia mô tả nó là một con sâu tâm hồn, làm hao mòn và khiến con tim trở nên trống rỗng. Hình ảnh này thật hợp giúp chúng ta hiểu. Vậy, tôi phải làm gì khi buồn sầu? Hãy dừng lại và xem đó có phải là thứ buồn sầu tốt hay không? và hãy phản ứng theo bản chất của sầu muộn. Anh chị em đừng quên rằng sầu muộn có thể là một điều rất xấu đưa chúng ta đến sự bi quan, đưa tới ích kỷ khó chữa lành.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, chúng ta phải chú ý đến thứ buồn sầu và nghĩ rằng Chúa Giêsu đưa chúng ta đến niềm vui phục sinh. Cho dù cuộc sống có thể đầy những mâu thuẫn, những ước muốn bị thất bại, những giấc mơ không thành, tình bạn không còn nữa, nhưng nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tin rằng tất cả sẽ được cứu thoát. Chúa Giêsu không chỉ sống lại cho mình, nhưng cho cả chúng ta nữa, để cứu vãn mọi hạnh phúc không được thành hình trong cuộc sống chúng ta. Đức tin xua đuổi sợ hãi, sự phục sinh của Chúa Kitô xóa bỏ sầu muộn như tảng đá chặn mồ. Mỗi ngày của Kitô hữu là một sự thực hành phục sinh. Georges Bernanos, trong tiểu thuyết thời danh của ông “Nhật ký của một cha sở miền quê”, đã để cha sở Torcy nói: “Giáo hội có niềm vui, tất cả niềm vui được dành cho thế giới sầu muộn này. Điều mà anh chị em làm chống lại Giáo hội tức là anh chị em chống lại vui mừng? Và một văn sĩ khác người Pháp, Léon Bloy, đã để lại cho chúng ta một câu tuyệt vời: “Không có một nỗi sầu muộn (...) sầu muộn không phải là của các thánh”. Ước gì Thánh Linh của Chúa Giêsu Phục sinh giúp chúng ta chiến thắng sầu muộn bằng sự thánh thiện”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây, là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Sau cùng, khi chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và người già cũng như các đôi tân hôn, Đức Thánh cha nói: Xin Đức Mẹ Lộ Đức mà chúng ta mừng kính vào Chúa nhật 11 tháng Hai tới đây, đồng hành với anh chị em trong tình mẫu tử dịu hiền của Mẹ.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.