Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Linh làm cho Kinh thánh sinh động và hữu hiệu

Photo: Vatican Media
Trong buổi Tiếp kiến chung, lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 12 tháng Sáu vừa qua, đã có gần 20.000 tín hữu hành hương đến tham dự với Đức Thánh cha Phanxicô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đã dành mười phút, đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, rồi lên bục ở thềm đền thờ, mở đầu buổi tiếp kiến với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, trước khi mọi người lắng nghe Lời Chúa, trích từ thư thứ hai của thánh Phêrô tông đồ:

“[Anh em], trước hết hãy biết điều này: không có lời ngôn sứ nào ta được tự tiện giải thích, vì không bao giờ có một lời ngôn sứ nào đến từ ý muốn phàm nhân, nhưng do Thánh Linh thúc đẩy, một vài người mới nói từ Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ ba này có tựa đề: “Toàn thể Kinh thánh được Thiên Chúa linh hứng”. Biết tình thương của Thiên Chúa qua Lời Chúa.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về Chúa Thánh Linh, Đấng hướng dẫn Giáo hội tiến về Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta. Lần trước, chúng ta đã chiêm ngắm hoạt động của Chúa Thánh Linh trong việc tạo dựng; hôm nay, chúng ta xem hoạt động ấy trong mạc khải, mà Kinh thánh là bằng chứng được Thiên Chúa linh hứng và có thế giá.

Vai trò của Thánh Linh trong Kinh thánh

Thư thứ hai gửi ông Timôthê khẳng định rằng “Toàn thể Kinh thánh do Thiên Chúa linh hứng” (3,16). Và một chỗ khác trong Tân ước nói rằng: “Được Thánh Linh thúc đẩy, những người ấy nói từ Thiên Chúa” (2Pr 1,21). Đó là đạo lý về việc Thiên Chúa mạc khải trong Kinh thánh, đạo lý mà chúng ta đọc trong kinh Tin kính, khi chúng ta tuyên xưng rằng Thánh Linh “đã nói qua các ngôn sứ”.

Chúa Thánh Linh, linh hứng Kinh thánh, cũng là Đấng giải thích và làm cho Kinh thánh ngàn đời sinh động và tích cực. Từ chỗ được linh hứng, Chúa làm cho Kinh thánh trở thành nguồn linh hứng. Hiến chế Dei Verbum, Lời Chúa, của Công đồng chung Vatican II, dạy rằng: “Các Sách thánh được Thiên Chúa linh hứng và được soạn ra một lần cho tất cả, thông truyền một cách bất biến lời của chính Thiên Chúa và làm vang dội tiếng nói của Thánh Linh trong những lời của các ngôn sứ và tông đồ” (n.21). Theo cách đó, Chúa Thánh Linh trong Giáo hội tiếp tục hoạt động của Đấng Phục Sinh sau khi sống lại, “mở tâm trí cho các môn đệ hiểu Kinh thánh” (Xc Lc 24,45).

Lời Chúa soi sáng

Thực vậy, có thể xảy ra là một chỗ nào đó trong Kinh thánh, chúng ta đã đọc bao nhiêu lần mà không đặc biệt xúc động, một hôm, chúng ta đọc đoạn ấy trong bầu không khí đức tin và cầu nguyện, và lúc ấy văn bản đó đột nhiên được soi sáng, nói với chúng ta, chiếu rọi ánh sáng trên một vấn đề chúng ta đang sống, làm cho ý Thiên Chúa rõ ràng cho chúng ta, trong một hoàn cảnh nào đó. Sự thay đổi ấy là do sự soi sáng của Chúa Thánh Linh? Những lời Kinh thánh, dưới tác động của Thánh Linh, trở nên sáng ngời, và trong những trường hợp ấy, ta động chạm cụ thể điều đã được thư gửi tín hữu Do thái khẳng định thực sự: “Lời Chúa sinh động, hữu hiệu và sắc hơn mọi gươm hai lưỡi; (...) phân định những tâm tình và tư tưởng của tâm hồn” (4,12).

Giáo hội được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa

Giáo hội nuôi dưỡng mình bằng cách đọc Kinh thánh dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Đấng đã linh hứng Sách thánh. Nơi trung tâm của Kinh thánh, như một ngọn đèn pha soi chiếu, có biến cố Chúa Kitô chịu chết và sống lại, Người chu toàn ý định cứu độ, thực hiện tất cả những hình bóng và lời ngôn sứ, tỏ lộ mọi mầu nhiệm ẩn náu và cống hiến chìa khóa đích thực để đọc trọn Kinh thánh. Sách Khải huyền mô tả tất cả những điều ấy bằng hình ảnh Chiên Con đập vỡ ấn của sách “được viết bên trong và bên ngoài, nhưng được đóng bằng bảy ấn” (xc 5,1-9), nghĩa là Kinh thánh Cựu ước. Giáo hội Hiền Thê của Chúa Kitô, là người giải thích thế giá văn bản được linh hứng, người trung gian công bố chính thức. Vì Giáo hội có ơn Thánh Linh, nên Giáo hội là “cột trụ và là sự nâng đỡ chân lý” (1 Tm 3,15). Nhiệm vụ của Giáo hội là giúp các tín hữu và những người tìm kiếm chân lý giải thích đúng đắn các văn bản Kinh thánh.

Lectio divina

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Một cách đọc Lời Chúa theo linh đạo, là thực hành Lectio divina, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Phương pháp này hệ tại dành một thời gian trong ngày để đọc và suy niệm một đoạn Kinh thánh. Nhưng việc đọc một cách tốt nhất Kinh thánh chính là đọc chung trong phụng vụ và đặc biệt trong thánh lễ. Tại đó, chúng ta thấy như một biến cố hoặc một giáo huấn, được ban trong Cựu ước, tìm được sự viên mãn trong Tin mừng của Chúa Kitô. Bài giảng phải giúp chuyển Lời Chúa, từ sách đến cuộc sống. Trong số bao nhiêu lời Thiên Chúa mà mỗi ngày chúng ta nghe trong thánh lễ hoặc trong Phụng vụ các Giờ kinh, luôn có một mục tiêu đặc biệt đối với chúng ta. Được đón nhận trong tâm hồn, Lời Chúa có thể soi sáng ngày của chúng ta và linh hoạt kinh nguyện của chúng ta. Vấn đề ở đây là đừng để Lời Chúa rơi trong khoảng trống rỗng!

Kết luận

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta kết luận với một tư tưởng có thể giúp chúng ta yêu mến Lời Chúa. Như một số bản nhạc, Kinh thánh cũng có một nốt nền tảng tháp tùng từ đầu đến cuối, và nốt nhạc này là tình yêu Thiên Chúa. Thánh Augustinô nhận xét rằng: “Toàn thể Kinh thánh chỉ kể lại tình thương của Thiên Chúa” (De catechizandis rudibus, I, 8,4: PL 40, 319). Và thánh Gregorio Cả định nghĩa Kinh thánh “là một lá thư của Thiên Chúa toàn năng gửi Hiền thê của Ngài, và nhắn nhủ “hãy học, nhận biết con tim Thiên Chúa trong những Lời của Chúa” (Registrum Epistolarum, V, 46, ed Ewald-Hartmann, pp. 345-346). Công đồng chung Vatican II dạy rằng: “Với mạc khải này, Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương bao la của Ngài, nói với con người như với những người bạn và trao đổi với họ để mời gọi và đón nhận họ vào trong tình hiệp thông với Ngài” (Dei Verbum, 2).

“Xin Chúa Thánh Linh, Đấng đã linh hứng Thánh kinh và giờ đây soi sáng bằng Kinh thánh, giúp chúng con đón nhận tình thương này của Thiên Chúa trong những tình trạng cụ thể của đời sống chúng con.”

Chào thăm và kêu gọi

Bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Thánh cha được lần lượt tóm ý bằng các thứ tiếng khác nhau, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ Paris và Luçon, cũng như các học sinh từ nhiều trường ở Pháp, và nói rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh mở tâm trí để chúng ta hiểu Kinh thánh, hầu kín múc trong đó và chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu Phục Sinh và để Kinh thánh soi sáng hành động của chúng ta trong thế giới”.

Khi chào các nhóm nói tiếng Anh, ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Anh quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Mỹ.

Với các tín hữu Ba Lan, ngài nhắn nhủ rằng “Tổ quốc của anh chị em, từ bao thế kỷ là nước Kitô giáo, và được gọi là Ba Lan luôn trung thành, Polonia semper fidelis. Tuy nhiên, trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội của Người không thể nhờ sức mạnh loài người, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Anh chị em hãy lắng nghe Lời Chúa và để cho mình được Lời Chúa soi sáng hầu biết phân biệt sự thật và gian dối, từ do và nô lệ. Anh chị em hãy trung thành với Thiên Chúa.”

Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến phái đoàn Giáo phận Frosinone ở miền nam Roma, do Đức cha Ambrogio Spreafico hướng dẫn hành hương, nhân dịp kỷ niệm 1.500 năm qua đời của thánh Giáo hoàng Ormisda, bổn mạng của thành Frosinone.

Ngài cũng chào thăm nhiều nhóm khác, trước khi chào các bạn trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời nói thêm rằng: “Ngài mai, ngày 13 tháng Sáu, chúng ta kính nhớ thánh Antôn Padua, linh mục Tiến sĩ Hội thánh. Ước gì tấm gương của nhà giảng thuyết nổi bật này, cũng là bổn mạng của người nghèo và những người đau khổ, khơi lên nơi mỗi người ước muốn tiếp tục hành trình đức tin và noi gương cuộc sống của thánh nhân, nhờ đó trở thành những chứng nhân đang tin cậy của Tin mừng”.

Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, Israel và Palestine, Myanmar và bao nhiêu nước khác. Ngài nói: “Ngày nay, chúng ta cần hòa bình, chiến tranh luôn luôn là một thất bại, ngay từ ngày đầu tiên”.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.