Sứ điệp Đức Thánh cha gửi các tổ chức trợ giúp Giáo hội Mỹ Latinh
Đức Thánh cha Phanxicô nhắc nhở các vị trách nhiệm của các tổ chức và cơ quan trợ giúp Giáo hội Công giáo tại Mỹ châu Latinh về tinh thần nhưng không, noi gương quảng đại và vô bị lợi của Thiên Chúa đối với chúng ta.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi đến Đức Hồng y Robert Prevost, người Mỹ thuộc Dòng thánh Augustinô, Tổng trưởng Bộ Giám mục, kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh, cùng với các vị trách nhiệm các tổ chức và cơ quan trợ giúp Giáo hội tại đại lục này, đang nhóm họp tại Bogotà, thủ đô Colombia, từ ngày 04 đến ngày 08 tháng Ba này.
Trong số các tổ chức từ thiện Công giáo giúp đỡ Giáo hội Mỹ châu Latinh, có tổ chức Adveniat của Hội đồng Giám mục Đức, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Tổng giáo phận Köln bên Đức, Những bàn tay liên kết, Manos Unidas, Hội đồng Giám mục Ý, Misereor của Hội đồng Giám mục Đức, Caritas Mỹ Latinh và Caribe, v.v.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha viết: “Khi chúng ta thực hiện một cố gắng, như trong trường hợp trợ giúp Giáo hội tại Mỹ Latinh, dĩ nhiên chúng ta chờ đợi một kết quả. Không đạt được kết quả, có thể bị coi là một thất bại, hoặc có cảm tưởng mình làm việc uổng công. Nhưng cảm giác như thế có thể là trái ngược với sự nhưng không, mà trong Tin mừng được định nghĩa là cho đi mà không chờ đợi được đền đáp (Xc Lc 6,35).
Để dung hòa hai năng động trên đây, Đức Thánh cha nhắc nhở các tham dự viên cuộc gặp gỡ ở Bogotà hãy dừng lại ở điều mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta. Trước tiên, chúng ta chỉ là những người quản lý các của cải đã nhận lãnh. Vì thế, chúng ta không được hãnh diện như thể đó là công trạng hay tài sản của chúng ta (Xc 1 Cr 7,4), và cũng không thể đòi hỏi một sự đền đáp vượt quá đồng lương của chúng ta (Xc 1 Tm 5,18), khiêm tốn nhận lãnh trách nhiệm mà hồng ân này đòi hỏi chúng ta (Xc Mt 25,14-30).
Tiếp đến, cần ý thức rằng Chúa đã ban cho chúng ta mọi sự, bắt đầu từ sự sống, công trình tạo dựng, trí tuệ và ý chí làm chủ vận mệnh của chúng ta, khả năng tương quan với Chúa và anh chị. Ngoài ra, Chúa đã hiến thân cho chúng ta vô số lần, làm cho chúng ta trở nên hình ảnh của Người, có khả năng yêu thương, chứng tỏ tình thương của Người qua dòng lịch sử... Sự hiến thân và trao ban của chúng ta, giữa dân, không thể không để ý đến những chân lý không thể tránh né ấy... Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng sự nhưng không là noi gương cách Chúa Giêsu đã hiến thân cho chúng ta, cho dân Ngài, luôn luôn và sẵn sàng, mặc dù sự nghèo nàn của chúng ta.
(Sala Stampa 5-3-2024)