Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Các tội nhân luôn có hy vọng được ơn cứu độ
Trưa Chúa nhật, ngày 01 tháng Mười năm 2023, đã có hơn 15.000 tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô. Sau khi đọc kinh, Đức Thánh cha đặc biệt kêu gọi hòa bình cho miền Nagorno Karabakh, với đại đa số dân là người Armeni nhưng lại nằm trọn trong lãnh thổ bao quanh của Azerbaijan.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Huấn từ của Đức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã giải thích về bài Tin mừng đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXVI Thường niên năm A, về dụ ngôn người cha yêu cầu hai người con đi làm trong vườn nho của ông.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay nói về hai người con, mà người cha bảo đi làm việc trong vườn nho (Xc Mt 21,28-32). Một người con thưa vâng ngay, nhưng lại không đi. Trái lại, người kia, ban đầu từ chối, nhưng rồi sau đó nghĩ lại và đi làm.
Thái độ hai người con
Nói gì đây về hai thái độ đó? Đi làm việc trong vườn nho là điều đòi hy sinh và như thế, là điều cơ cực, không tự nhiên mà đến. Tuy biết rằng mình là con và là người thừa kế. Nhưng vấn đề ở đây không liên hệ tới sự chống cự, không đi làm việc trong vườn nho, nhưng là sự thành thực hay không đứng trước người cha và bản thân. Thực vậy, không có người con nào cư xử một cách tuyệt hảo: người con thứ nhất nói dối, trong khi người con thứ hai lầm lỗi, nhưng vẫn thành thực.
Đức Thánh cha phân tích thêm rằng:
“Chúng ta hãy xem người con nói “xin vâng”, nhưng rồi lại không đi. Anh không muốn làm theo ý của cha, nhưng cũng chẳng muốn thảo luận và nói về điều ấy. Thế là anh ta nấp đằng sau lời “xin vâng”, nấp sau một sự giả vờ ưng thuận, che đậy sự lười biếng của mình, và trong lúc này cứu vãn danh dự của mình. Anh ta tránh né được vấn đề mà không đụng độ, nhưng anh qua mặt và làm cho người cha thất vọng, anh ta thiếu kính trọng cha một cách tệ hơn là trường hợp anh ta từ chối rõ rệt. Vấn đề của người cư xử như thế là: không phải anh ta chỉ là một người tội lỗi, nhưng còn là một người hư hỏng, vì nói dối mà không ngại ngùng để che đậy và ngụy trang sự bất tuân của mình, không chấp nhận đối thoại hoặc đối chất chân thành.
Người con kia, người đã từ chối nhưng rồi lại đi làm, anh là người chân thành. Anh không hoàn hảo nhưng thành thực. Dĩ nhiên, giả sử anh ta thưa “xin vâng” ngay thì đẹp hơn. Nhưng không xảy ra như vậy. Dầu sao anh ta đã thẳng thắn bày tỏ, và một cách nào đó, anh ta can đảm từ chối. Nghĩa là anh ta lãnh nhận trách nhiệm về thái độ của mình và hành động dưới ánh sáng mặt trời. Rồi, với lòng thành thực ấy, rốt cuộc anh suy nghĩ lại và đi đến chỗ hiểu rằng mình đã sai lầm, hồi lại hành vi của mình. Chúng ta có thể nói anh ta là một người tội lỗi, nhưng không hư hỏng. Và đối với người tội lỗi, luôn có hy vọng chuộc lỗi; trái lại, đối với người hư hỏng, đó là điều khó khăn hơn nhiều. Thực vậy, lời “xin vâng” giả dối, cái vẻ bề ngoài cao thượng của người con hư hỏng, thực ra là giả hình và sự giả bộ của anh ta trở thành thói quen, giống như một bức tường cao su dày cộm, đằng sau đó người ta ẩn nấp, tránh những tiếng gọi của lương tâm.
Xét mình
Và Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Giờ đây chúng ta hãy nhìn vào bản thân, và dưới ánh sáng tất cả những điều đó, chúng ta hãy tự hỏi vài câu hỏi. Đứng trước những khó khăn trong việc một cuộc sống lương thiện và quảng đại, khó dấn thân theo ý Chúa Cha, tôi có sẵn sàng thưa “xin vâng” mỗi ngày hay không, dù điều đó đòi phải trả giá hay không? Và khi không thành công, tôi có thành thật thưa với Chúa về những khó khăn, những vấp ngã và yếu đuối của tôi hay không? Khi tôi lầm lỗi, tôi có sẵn sàng thống hối và trở lại hay không? Hay tôi giả bộ như không có chuyện gì và sống đeo mặt nạ, chỉ quan tâm tỏ ra mình tài giỏi và tốt lành hay không? Xét cho cùng, tôi là một người tội lỗi như mọi người, hay là trong tôi có gì hư hỏng hay không?
Xin Mẹ Maria là tấm gương thánh thiện, giúp chúng ta là những Kitô hữu chân thành.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước chiều thứ Bảy, ngày 30 tháng Chín vừa qua tại thành phố Piacenza, bắc Ý, cho cha Giuseppe Beotti, bị Đức quốc xã sát hại năm 1944 vì đã cứu giúp những người Do thái bị bách hại.
Rồi Đức Thánh cha đặc biệt kêu gọi hòa bình cho vùng Nagorno Karabakh, miền nam Caucase, từ nhiều ngày nay ở trong tình trạng xung đột giữa Azerbaijan và các lực lượng người Armeni tự tuyên bố độc lập. Hàng chục ngàn người Armeni đã phải chạy về Cộng hòa Armeni gần đó để lánh nạn. Đức Thánh cha kêu gọi đối thoại giữa các phe lâm chiếm để sớm tìm được giải pháp hòa bình.
Đồng thời, ngài cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ chính thức khai mạc từ ngày 04 tháng Mười này và tiến hành tới ngày 29 tháng Mười, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến lễ kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mừng ngày 01 tháng Mười này và thông báo ngày 15 tháng Mười tới đây, ngài sẽ công bố tông huấn về linh đạo của thánh nữ.
Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các tín hữu, trong tháng Mười này, tháng Mân côi, hãy siêng năng đọc kinh này để cầu cho công cuộc loan báo Tin mừng, cũng như cho Thượng Hội đồng Giám mục.
Sau cùng, Đức Thánh cha thông báo, ngày 06 tháng Mười Một tới đây, tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican, ngài sẽ gặp gỡ các trẻ em từ các nơi trên thế giới, dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục Công giáo và Văn hóa, để tái bày tỏ tâm tình tinh tuyền như các trẻ em.
Đứng cạnh Đức Thánh cha trong buổi đọc kinh Truyền tin, có năm em bé nam nữ đại diện cho năm châu.
Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.